Thấy mạng Wi-Fi tại nhà chập chờn, tôi quyết định đổi hẳn sang dùng 4G. Ý tưởng ban đầu là kết nối bảo đảm, mất điện vẫn dùng được, lại thuận tiện vì đi đâu chỉ cần mang theo bộ phát.
Tuy nhiên, rắc rối của tôi cũng bắt đầu từ đây. Dùng bộ phát tại nhà thời gian ngắn không sao, nhưng khi bật cả ngày, thiết bị rất nhanh nóng, đặc biệt vào mùa hè hoặc nhiều thiết bị cùng kết nối. Tôi thường xuyên phải khởi động lại hoặc để chỗ mát mẻ nhưng đều không ổn.
Thấy bực mình nhưng không bỏ cuộc, sau nhiều ngày tìm hiểu, tôi chuyển sang sử dụng modem hỗ trợ gắn sim 4G/5G. Do sản phẩm Mỹ không có nhiều lựa chọn, tôi mua model của Huawei giá gần 7 triệu đồng sau khi thấy một số diễn đàn đánh giá tốt. Thực tế dùng đúng là tốt hơn, nhưng tốc độ kết nối vẫn không ổn định. Nhiều lúc việc đang cần nhưng kết nối tậm tịt. Có ngày phải khởi động lại 4-5 lần rồi di chuyển các vị trí trong phòng để có sóng tốt nhất. Tưởng do lỗi thiết bị, tôi được nơi bán đổi một model khác nhưng cũng không khá hơn.
Ngoài thiết bị, các gói cước 4G khi dùng lâu dài cũng không còn rẻ. Lần đầu, tôi mua một sim được quảng cáo có dung lượng không giới hạn trong một năm với giá hơn triệu đồng. Tuy nhiên, được gần bốn tháng, sim "chết" không rõ lý do, liên hệ cửa hàng không được. Sau lần đó chỉ còn sim giới hạn dung lượng hàng ngày, không còn rẻ như cáp quang nhưng tôi vẫn chấp nhận vì công việc cũng không cần nhiều.
Tuy nhiên, đỉnh điểm của sự bực bội là trong giai đoạn Covid-19, mọi công việc đều phải làm tại nhà, nhu cầu giải trí cũng nhiều hơn. Kết nối 4G lúc này không bảo đảm, lúc nhanh lúc chậm. Nhiều lần gọi video call với đối tác không được. Các tập tin cần tải lên hoặc xuống, hoặc chỉnh sửa mất rất nhiều thời gian. Ngay khi dịch đỡ căng thẳng, tôi đăng ký dịch vụ cáp quang trở lại, kết thúc gần hai năm từ việc sử dụng 4G đầy lý tưởng đến thực tế với rất nhiều lần bực bội.
Tôi khuyên các bạn chỉ nên dùng kết hợp 4G với Wi-Fi, đừng dại chuyển hẳn sang 4G tại nhà.
Theo VnExpress