Vụ án mạng đau lòng giữa 2 anh em ruột ở Kinh Môn xảy ra lúc rạng sáng 3.6 một lần nữa gióng lên hồi chuông về bi kịch tình thân tương tàn.
Thật đáng buồn vì thời gian gần đây có nhiều thông tin về những vụ việc người thân trong gia đình gây hại lẫn nhau ở Hải Dương cũng như trên cả nước. Mới đây, vào khoảng 4 giờ 30 ngày 3.6, do mâu thuẫn liên quan đến tranh chấp đất ở từ trước nên hai anh em ruột cùng trú tại khu dân cư Châu Xá, phường Duy Tân (Kinh Môn) đã xảy ra cãi vã. Bực tức, người anh đã chém nhiều nhát khiến em ruột mình tử vong.
Vào tháng 7.2022, tại thôn Lấu Khê, xã Hiệp Cát (Nam Sách) cũng xảy ra sự việc tương tự. Chỉ vì bực mình do em trai mở nhạc, người anh đã ra tay sát hại em trai mình.
Và chắc chắn đến bây giờ nhiều người chưa thể quên vụ án con gái đốt nhà mẹ ruột ở Hưng Yên. Nguyên nhân bắt nguồn từ những mâu thuẫn trong việc phân chia tài sản của bố mẹ cho các con. Hậu quả là 3 người, gồm cả người mẹ đã thiệt mạng đầy thương tâm.
Điều đáng buồn là sau khi cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân những vụ thảm án liên quan đến người thân trong gia đình thì nhiều vụ việc bắt nguồn từ mâu thuẫn về kinh tế. Có thể là do tranh chấp đất đai do bố mẹ để lại, vay nợ lẫn nhau không trả, mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày cứ tích tụ... và đến một thời điểm nào đó nó bột phát thành nỗi uất hận làm mờ cả tình thân.
Khi Fanpage báo Hải Dương chia sẻ thông tin về vụ việc anh trai đâm chết em ruột ở Kinh Môn đã nhận về rất nhiều lượt bình luận. Đa phần mọi người cho rằng việc làm ấy thật đau lòng, làm mất đi cái gọi là máu mủ tình thân, như: "Anh em thương nhau còn không hết", "Tiền làm con người ta mất đi chữ máu mủ ruột già", "Anh em với nhau thương nhau còn không hết, sao lại làm vậy khổ quá"...
Người Việt ta vốn có truyền thống cố kết tương thân, đặc biệt là đối với những người trong cùng một gia đình. Bởi vậy nên người xưa thường dạy: "Máu chảy ruột mềm", "Anh em như thể chân tay/ Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần"... Tình cảm khăng khít như vậy nên khi xảy ra những vụ án tình thân tương tàn luôn ẩn chứa quá nhiều nỗi đau. Nỗi đau với cả người ra đi và người ở lại. Khi anh em xuống tay với nhau, tước đoạt sinh mạng của nhau thì những người thân của họ thật khó có thể đối diện được sự thật ấy, nỗi đau sẽ mãi còn dai dẳng. Còn đối với người gây ra thảm án, dù pháp luật có trừng trị thì bản án lương tâm đối với họ cũng sẽ rất nặng nề.
Ngoài sự nghiêm trị của pháp luật, sự giáo dục của xã hội thì yếu tố gia đình phải là then chốt để tránh những vụ việc đau xót tương tự lại xảy ra. Các bậc cha mẹ cần giáo dục con cái về tình cảm gia đình. Đặc biệt cần hài hòa, công bằng với các con về lợi ích kinh tế. Luôn luôn lắng nghe, kịp thời hòa giải những khúc mắc của con cái. Bản thân mỗi người chúng ta cần khắc sâu tình cảm máu mủ ruột thịt, có lối ứng xử tốt đẹp với người thân. Chỉ khi: "Anh em trên kính dưới nhường/ Là nhà có phúc, mọi đường yên vui"!
NGỌC THANH