Tình trạng xuất khẩu lao động "chui" tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như: gặp nạn trên hành trình sang xứ người; làm việc chui lủi ở những vùng hẻo lánh; bị quỵt và bớt xén tiền công...
Cảnh sát bảo vệ hiện trường nơi phát hiện 39 thi thể trong thùng xe container tại khu công nghiệp Waterglade ở Essex, Thurrock, Anh
Mấy ngày nay, dư luận đặc biệt quan tâm đến thảm kịch 39 thi thể được phát hiện trong một container ở Anh. Càng lo lắng hơn khi có thông tin rằng nhiều nạn nhân trong vụ việc trên có thể là người Việt.
Đến chiều 27.10, đã có 24 gia đình ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trình báo có con đang mất tích ở châu Âu. Sáng 28.10, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết nhà chức trách Anh đã chuyển 4 hồ sơ liên quan đến vụ 39 người tử vong trong xe container cho cơ quan chức năng Việt Nam để chắp nối thông tin, xác minh nhân thân nạn nhân. Hai nước đang tích cực phối hợp để trao đổi thông tin về vụ việc.
Tuy chưa xác định được thực hư ra sao nhưng câu chuyện trên gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng xuất khẩu lao động (XKLĐ) "chui" của người Việt với rất nhiều rủi ro tiềm ẩn. Nếu cách đây hơn chục năm, người Việt chủ yếu hướng đến thị trường lao động ở các nước châu Á, nhất là thị trường Đông Nam Á vì giá rẻ, phù hợp với khả năng của nhiều gia đình. Trường hợp có phải vay mượn thì số tiền cũng không quá lớn. Vài năm gần đây, ngày càng nhiều người hướng tới thị trường châu Âu. Tuy số tiền phải bỏ ra để "chạy" sang các nước ở châu lục này khá lớn, có thể từ vài trăm triệu đồng tới cả tỷ đồng nhưng cũng hứa hẹn mức thu nhập cao nên thị trường lao động này đã trở thành miền đất hứa với nhiều người. Trong khi một số thị trường rất khó tính, đòi hỏi người lao động phải trải qua quá trình học tiếng vài tháng, có nơi còn yêu cầu phải thi sát hạch... thì trên mạng xã hội lại có những lời mời XKLĐ "nhiều không": không cần phỏng vấn, không cần thi tuyển, không cần học tiếng... Thậm chí còn kèm cả những điều kiện hấp dẫn như học tập và làm việc tại các nước châu Âu (Đức, Ba Lan...) miễn học phí mà vẫn nhận lương, có cơ hội định cư và bảo lãnh người thân, hỗ trợ vay vốn... Giờ đây, người muốn đi XKLĐ không chỉ thông qua các kênh chính thống với sự bắc cầu của các công ty môi giới XKLĐ mà còn đi du lịch, thăm người thân rồi trốn ở lại nước ngoài để lao động "chui". Ở Hải Dương cũng có nhiều người đi XKLĐ "chui" như thế. Báo Hải Dương từng đăng bài "XKLĐ ở Ngọc Kỳ: Niềm vui chưa trọn". Bài viết dẫn chứng lời của một người dân xã này từng đi XKLĐ "chui" sang Nga. Theo người này, thủ tục đi XKLĐ rất đơn giản, chỉ cần nộp chi phí trọn gói 2.000 USD, giấy khám sức khỏe cùng một số giấy tờ tùy thân khác, mọi việc còn lại đều do bên môi giới lo liệu. Nhưng khi đặt chân sang Nga, ông mới biết mình đã rơi vào "bẫy" của đường dây môi giới. Thực chất là họ cho người lao động sang đó theo hộ chiếu du lịch với thời hạn 3 tháng nhưng trốn lại để lao động. Một số người bị "bán" cho các xưởng may tại những vùng heo hút. Một số người khác thì bị "đem con bỏ chợ", không có việc làm...
Có quá nhiều rủi ro khi đi XKLĐ "chui". Không ít người đã gặp rủi ro trên hành trình sang xứ người như những lao động xấu số trong chiếc container ở Anh. Có người sang được nước bạn nhưng vì là lao động bất hợp pháp nên phải làm việc chui lủi ở những vùng hẻo lánh, điều kiện sống, điều kiện lao động đều không được bảo đảm. Họ có thể bị quỵt tiền công, bớt xén tiền công... mà không biết kêu ai. Có người đã phải bỏ mạng nơi xứ người. Họ ra đi không chỉ để lại nỗi đau đớn tột cùng cho người thân nơi quê nhà mà còn để lại những món nợ khó trả. Để tránh những rủi ro, tốt nhất người lao động không đi lao động nước ngoài trái phép.
KIM THANH