Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang không nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại có thể dẫn tới nhiều biến chứng, hệ luỵ. Mỗi khi đến mùa loại kiến này di tản thật lo sợ.
Ngày 12/11, một nam thanh niên người Hải Dương phải đến Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám sau 2 ngày bị kiến ba khoang tấn công gây đỏ rát vùng cổ. Tuy không nguy hiểm tới tính mạng song với những phiền toái do kiến ba khoang gây ra thì rất cần đề phòng, nhất là khi loại côn trùng này đang vào mùa di tản.
Kiến ba khoang chứa độc tố Pederin có độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang, khiến vùng da tiếp xúc bỏng rát chỉ với lượng nhỏ. Chúng sinh sôi và phát triển mạnh vào mùa mưa từ tháng 6-10 ở miền Bắc. Loại côn trùng này thường sống ở cánh đồng, ven các bờ ruộng, bãi cỏ, gần mương nước… Đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 khi lúa mùa được thu hoạch, không còn nơi trú ngụ, loại kiến này tản mát, bay vào khu dân cư.
Do đặc tính hướng sáng mạnh nên buổi tối kiến ba khoang thường bị ánh đèn thu hút.
Cùng thời điểm này năm ngoái, người dân sinh sống tại một số toà chung cư ở TP Hải Dương hoang mang, bất an bởi kiến ba khoang xuất hiện khá nhiều tại nơi ở. Điều này lý giải vì sao cứ tầm này hằng năm, một số người lại bị kiến ba khoang tấn công. Kiến ba khoang gây bệnh không phải đốt mà do dịch tiết ra, dính vào da gây viêm da tiếp xúc.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, người bị kiến ba khoang tấn công sẽ thấy ngứa rát, căng da. Sau từ 6-12 giờ, vùng đốt có thể sẽ sưng nề, đỏ cộm thành vệt kèm nổi mụn nước to nhỏ không đều. Từ 1-3 ngày sau sẽ hình thành phỏng nước, mủ, cảm giác đau rát càng tăng. Người bệnh có thể bị tổn thương lan tỏa vùng lân cận, sốt, khó chịu toàn thân, gây bội nhiễm da, tăng sắc tố sau viêm.
Nếu được điều trị kịp thời thì sau một tuần sẽ hết. Còn điều trị muộn, tổn thương da có thể để lại sẹo đỏ đến nhiều tháng mới hết. Độc tố của kiến ba khoang dính vào mắt có thể gây viêm kết mạc và sưng nề phần mềm quanh mắt, có trường hợp mù tạm thời.
Nhiều người bị kiến ba khoang tấn công đều tự chữa bằng cách mua thuốc bôi và uống. Khi không khỏi mới tìm tới bác sĩ khám, tư vấn điều trị, thậm chí phải tới bệnh viện chuyên ngành điều trị. Vì việc điều trị không kịp thời nên có người bị nặng thêm và dai dẳng nhiều ngày.
Biểu hiện của viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang và bệnh zona thần kinh tương đối giống nhau nhưng bệnh lý lại hoàn toàn khác nhau. Nếu chẩn đoán nhầm, sử dụng thuốc sai sẽ ảnh hưởng tới quá trình điều trị, có thể bệnh nặng thêm và thời gian phục hồi lâu hơn.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương, so với cùng thời điểm năm trước, số lượng bệnh nhân bị tổn thương da do kiến ba khoang ít hơn song cũng không thể chủ quan. Bệnh nhân tới khám, điều trị khi biểu hiện bệnh đã nặng với nhiều vết loét ở vùng da cổ, cánh tay, chân… Lãnh đạo bệnh viện cũng khuyến cáo khi bị kiến ba khoang tấn công tốt nhất tới ngay các phòng khám chuyên khoa để được chẩn đoán, đánh giá tình trạng bệnh để can thiệp, điều trị kịp thời.
Dù không gây nguy hiểm lớn nhưng nếu không có biện pháp phòng tránh phù hợp, kiến ba khoang vẫn là mối lo trong giai đoạn này, nhất là đối với người già, trẻ nhỏ. Người dân có thể phòng chống kiến ba khoang bằng cách thường xuyên vệ sinh nhà cửa, tắt bớt bóng đèn khi không cần thiết vào buổi tối, buông màn khi đi ngủ.
Ngoài ra, khi ngoài môi trường có nhiều kiến ba khoang, cần phun thuốc diệt kiến, thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng vì loại kiến này bị thu hút bởi ánh sáng đèn huỳnh quang…
HOÀNG LINH