Phòng bệnh cho dưa hấu vụ xuân hè

12/03/2019 09:12

Trồng dưa hấu vụ xuân hè tuy đạt năng suất cao, nhưng dịch hại như nấm, vi khuẩn, rầy rệp, bọ trĩ, tuyến trùng, các loại sên nhiều.

Cây dưa hấu thích nghi với chỉ số pH cao (7 – 7,5). Luôn bị các loại sâu, bệnh tấn công phá hại các bộ phận trên mặt đất và bộ rễ, nhất là trồng 2 vụ liền nhau trên cùng một diện tích. Cây hay bị các loại ốc sên và ốc đĩa phá hại thời kỳ cây con và các bộ phận như hoa nụ và quả non. Ngoài ra, còn bị các loại cỏ dại phát sinh tranh chấp về dinh dưỡng, ánh sáng và lan truyền dịch bệnh nếu không phòng trừ nghiêm ngặt và kịp thời. Đất thịt nặng, trũng, úng nước, gí dẽ, thoát nước kém hoặc giữa 2 ruộng dưa và lúa chỉ cách nhau một bờ nhỏ không kiên cố. Đất mà vụ trước đã trồng cây cùng họ; đất không được xử lý trước khi trồng mới đều là nguyên nhân dịch hại phát sinh gây hại.

Nhiệt độ thay đổi thất thường cùng ẩm độ không khí cao và sương mù nhiều, xen kẽ có hanh khô đều là điều kiện thuận lợi cho các loại nấm (sương mai và giả sương mai, lở cổ rễ và thối gốc... ) phát sinh gây hại.

Thời tiết mùa xuân càng dễ phát sinh phá hại của các loại sên, bọ trĩ, rầy mềm và rệp muội với cây rau màu.

Biện pháp khắc phục:

- Nên gieo trồng các giống dưa ngắn ngày và có nhiều ưu điểm như giống lai F1 Sunny, AD779 và dưa Phù Đổng.

- Áp dụng công thức luân canh: Dưa hấu vụ xuân - lúa mùa sớm - hành vụ đông trên đất lúa nội đồng. Dưa hấu xuân hè - cây rau màu khác họ... trên đất cát ven đê.

- Chọn cánh đồng hoặc diện tích ven đê cao, chủ động tưới tiêu; nhặt sạch cỏ dại, các tàn dư cây trồng từ vụ trước.

-Về kỹ thuật làm luống, lượng phân đầu tư và kỹ thuật bón; kỹ thuật sử dụng màng phủ nông nghiệp... bà con nên tham khảo và thực hiện theo các quy trình kỹ thuật được in sẵn trên bao bì của từng giống.

-Thời vụ: Nên tập trung đặt bầu cây con từ mồng 5 - 10.3; tuyển chọn những bầu cây con khỏe mạnh, bộ rễ không bị tổn thương.

-Riêng về lượng vôi bột, nên đầu tư từ 30 - 40kg/sào; phân hữu cơ vi sinh PiSoMix - Co:  TRICHODERMA - 306 nên đầu tư 2 - 3 kg/sào. Tất cả đem trộn cùng với phân chuồng hoai mục vừa bón lấp rạch vừa bón rắc đều trên mặt luống trước khi đậy màng phủ.

-Sau khi đặt bầu cây con, cần thường xuyên thăm đồng phát hiện kịp thời bệnh lở cổ rễ - thối gốc, ốc sên các loại phá hại. Nếu có triệu chứng bị bệnh thì nên dùng chế phẩm BIOBUS1,00WP, 1 gói loại 20gram pha 10 lít nước phun đều lên thân lá hoặc dùng gáo tưới vào gốc, dùng 2 lần, lần hai sau lần một 2 ngày. Nếu bị mất cây do sên thì cần dùng ngay loại bả TATOO 150AB dạng hạt, đặt bả thành từng mô sao cho 1/2 kg bả thả khoảng 2- 3 sào, nên thả vào chập tối để đỡ mất mùi dẫn dụ.

-Trong quá trình dưa ra hoa đầu đến nuôi quả và trước thu hoạch 7 - 10 ngày, nếu bị héo do vi khuẩn (cây nhanh chết) thì cần nhổ bỏ và đem đốt tiêu hủy nơi xa ruộng, sau đó rắc vôi bột để khử trùng. Bà con nên ưu tiên dùng một trong các loại thuốc BIOBUS1,00WP, Alpine 80WG, Marshal200SC... khi cây dưa bị nấm bệnh và rệp muội gây hại.

K.S NGUYỄN HỮU VÂN(Nam Sách)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng bệnh cho dưa hấu vụ xuân hè