Nông nghiệp - Nông thôn

Kỹ thuật bảo quản và tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi

NGUYỄN MINH ĐỨC (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh) 04/04/2024 20:50

Để chủ động phòng chống hiệu quả dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã có hướng dẫn kỹ thuật bảo quản và tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

w_20230817_152232.jpg
Một hộ nuôi gà bằng thảo dược (ảnh tư liệu)

Để chủ động phòng chống hiệu quả dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thúc đẩy chăn nuôi phát triển, bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp triển khai công tác tiêm phòng vụ xuân năm 2024 cho đàn gia súc, gia cầm. Thời gian tiêm bắt đầu từ ngày 25/3 - 10/5.

Để đợt tiêm phòng vụ xuân bảo đảm nhanh gọn, đúng đối tượng, đúng thời gian, phát huy tối đa hiệu quả của vaccine, tạo miễn dịch đồng loạt, khép kín, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn kỹ thuật bảo quản và tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi như sau:

1. Bảo quản vaccine

Tùy từng loại vaccine sẽ có các điều kiện bảo quản khác nhau theo hướng dẫn được ghi trên nhãn lọ vaccine. Khi vận chuyển, vaccine phải được đựng trong dụng cụ chuyên dụng, tránh va đập mạnh, ánh sáng trực tiếp.

2. Đối tương và kỹ thuật tiêm vaccine

- Đối tượng: Toàn bộ đàn gia súc, gia cầm được nuôi trong các nông hộ và có sự giám sát về kỹ thuật của cán bộ thú y.

- Kỹ thuật tiêm phòng: Đối với vaccine nhược độc đông, khi sử dụng phải được pha bằng nước sinh lý của nhà sản xuất. Vaccine pha xong nên dùng càng sớm càng tốt. Đối với vaccine vô hoạt, vaccine vi khuẩn nhược độc dạng lỏng, khi dùng phải lắc kỹ, tiêm trong ngày không hết phải hủy.

Có thể tiêm nhiều loại vaccine cho con vật cùng một lúc. Tuy nhiên, mỗi loại vaccine phải tiêm ở các vị trí khác nhau và dùng riêng bơm, kim tiêm. Chỉ tiêm vaccine cho động vật hoàn toàn khỏe mạnh. Theo dõi tình trạng của con vật sau khi tiêm vaccine ít nhất từ 1 - 2 giờ, chủ động thuốc để xử lý khi con vật bị phản ứng vaccine.

Khi tiêm, gia súc phải bảo đảm được khống chế an toàn cho người tham gia tiêm phòng. Dụng cụ dùng cho tiêm phòng vaccine phải được vô trùng tuyệt đối mới được sử dụng. Vị trí tiêm cho mỗi loại vật nuôi khác nhau theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

3. Giám sát sau tiêm phòng

Sau mỗi đợt tiêm phòng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát sau tiêm phòng vaccine gia súc, gia cầm, đặc biệt là các bệnh cúm gia cầm, dịch tả lợn cổ điển, bệnh lở mồm long móng gia súc trên địa bàn tỉnh để đánh giá hiệu quả công tác tiêm phòng, chất lượng vaccine. Thời điểm lấy mẫu sau 21 ngày kể từ thời điểm tiêm phòng gần nhất.

4. Giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh yêu cầu cán bộ thú y cơ sở và người chăn nuôi thường xuyên theo dõi, giám sát đàn gia súc, gia cầm trong suốt quá trình nuôi. Nếu thấy gia súc, gia cầm, động vật thủy sản có biểu hiện của bệnh truyền nhiễm phải báo cáo ngay cho chính quyền cơ sở và cơ quan thú y các cấp để tổ chức điều tra, xác minh, lấy mẫu của gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh để chẩn đoán xác định tác nhân gây bệnh, phục vụ cho công tác phòng chống dịch.

Chủ vật nuôi chủ động kê khai hoạt động chăn nuôi của gia đình với chính quyền địa phương theo quy đinh của Luật Chăn nuôi.

NGUYỄN MINH ĐỨC (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh)
(0) Bình luận
Kỹ thuật bảo quản và tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi