Nông nghiệp - Nông thôn

Doanh nhân nuôi bò 3B ở Thanh Miện

ĐỖ QUYẾT-NGUYỄN MƠ 12/05/2024 10:00

Gần 20 năm lăn lộn thương trường, anh Luyện Huy Doan, sinh năm 1984 ở xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện (Hải Dương) lại rẽ hướng, quyết định gắn bó với ruộng đồng quê hương bằng mô hình nuôi bò 3B.

00:00

z5420001137668_171ecf146ebec9188a4aed41c52e9901.jpg
Anh Luyện Huy Doan đầu tư trang trại nuôi bò 3B lớn, hiện đại nhất huyện Thanh Miện

Tay ngang

Cánh đồng Làn Sen ở thôn Vũ Xá, xã Ngô Quyền trước nay vốn chỉ cấy lúa, vùng chuyển đổi chăn nuôi nhỏ lẻ, bấp bênh. Năm 2021 khi biết có người xây dựng trang trại nuôi bò ở đây ai cũng thắc mắc, bàn ra tán vào. Nhiều người không hiểu vì lý do gì mà anh Doan vốn làm doanh nghiệp trên thành phố, xa quê nhiều năm lại trở về thử sức với công việc đầy may rủi này.

Dẫn chúng tôi men theo đường đồng để tới trang trại, ông Hoàng Kim An, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngô Quyền hãnh diện khoe đây là trang trại nuôi bò lớn và hiện đại nhất huyện. “Anh Doan cứ chạy như con thoi, tất bật với công việc kinh doanh của công ty rồi lại bận rộn chăm nom trang trại bò nên sắp xếp gặp được cũng khó”, ông An cho hay.

Quả nhiên đúng như lời ông An nói, chúng tôi "năm lần bảy lượt" hẹn gặp rồi lại lỡ hẹn với anh Doan nên chỉ có thể đi thăm thú trang trại. Chăm chú quan sát về khu trại nuôi bò này, chúng tôi càng tò mò về chủ nhân của nó và nóng lòng được gặp để tìm hiểu tường tận về mô hình nông nghiệp tuần hoàn này. May mắn gặp được anh Doan trong ngày mưa tầm tã, hình ảnh doanh nhân này khác biệt hoàn toàn so với hình dung ban đầu. Anh Doan khá trẻ so với độ tuổi 40, lại nho nhã, thư sinh nên chúng tôi hiểu vì sao ban đầu mọi người lại hoài nghi khi anh lấn sân sang mảng chăn nuôi. Song ánh mắt kiên định lại cho thấy quyết tâm, nhiệt huyết của anh với nghề nông.

Thời điểm nhen nhóm quyết định táo bạo đầu tư cho nông nghiệp của anh Doan bắt đầu từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Lúc đó, để kiểm soát dịch bệnh nên thông thương khó khăn, hàng hóa ách tắc. Nông sản vốn mang tính thời vụ, không tiêu thụ được bị ùn ứ, hư hỏng. Rồi câu chuyện xử lý phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, củ, quả thừa loại… gây ô nhiễm môi trường cũng mãi không có hồi kết. Điều này làm anh Doan đắn đo, trăn trở và thôi thúc anh phải làm gì đó để thay đổi tư duy làm nông nghiệp. Nghĩ là làm, năm 2020 anh dồn vốn gom ruộng. Khi có quỹ đất trong tay, anh Doan đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi trên diện tích 4.500 m2.

z5420004714201_387898ad8a93293f9c44eb88d4d22753.jpg
Thức ăn xanh cho bò từ nông sản tại địa phương

Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu nhiều mô hình chăn nuôi, anh Doan quyết định nuôi bò 3B. Đây là giống bò siêu thịt có nguồn gốc từ Bỉ, có nhiều đặc điểm vượt trội về năng suất và chất lượng thịt. Theo anh Doan, bò là vật nuôi có thể phát huy tối đa lợi thế sản xuất theo chuỗi tuần hoàn. Trang trại của anh Doan không lớn nhưng bố trí, sắp xếp khoa học. Khu vực chăn nuôi khép kín, quy trình chăm sóc đồng bộ và luôn bảo đảm thông thoáng để đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt. Chất thải chăn nuôi được thu gom, xử lý để phục vụ nuôi giun quế.

Để tạo nguồn thức ăn xanh cho bò, anh thuê 4 mẫu ruộng trồng cỏ voi. Ngoài ra, anh còn tận dụng lại rơm, rạ mà người dân bỏ đi sau mỗi vụ lúa. Cà rốt, bột ngô, cám gạo, bã bia... cũng được anh thu mua từ các vùng lân cận để làm thức ăn cho bò. “Tôi muốn xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín, mỗi chuỗi cung ứng đều có thể chủ động. Có như vậy, sản xuất mới không còn sự lệ thuộc”, anh Doan quả quyết.

Dù không có kinh nghiệm về nông nghiệp song với bản lĩnh được rèn luyện nhiều năm nơi thương trường, anh Doan đã làm chủ được kỹ thuật nuôi bò 3B thương phẩm. So với các giống cùng loại khác, bò 3B có sức đề kháng cao, sản lượng, chất lượng thịt tốt. Vì thế ngay từ lứa đầu tiên, 100 con bò 3B đã cho hiệu quả kinh tế cao. Anh cho hay không phải chăn nuôi theo sở thích mà phải tìm hiểu, đánh giá thị trường, xu hướng của người tiêu dùng và khả năng đáp ứng.

Dẫn chúng tôi tham quan khu chuồng trại, anh Doan say sưa giới thiệu về kỹ thuật nuôi bò. Mỗi ngày anh chỉ cho bò ăn 2 bữa với 30% lượng thức ăn tinh bột, còn lại là thức ăn thô, xanh. Định kỳ 2 tuần sẽ bổ sung vitamin, khoáng chất và vi lượng. Việc tiêm chủng phòng bệnh cũng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Vì thế tại trang trại chưa từng xảy ra dịch bệnh. Như vậy thôi cũng đủ hiểu anh tâm huyết với trang trại này đến mức nào.

Theo đuổi nông nghiệp tuần hoàn

Nhận thấy tiềm năng từ nuôi bò 3B, từ 100 con ban đầu, anh Doan mở rộng quy mô, duy trì nuôi 150 con/lứa. Mỗi năm, anh xuất bán ra thị trường từ 15-20 tấn bò thịt. Trang trại của anh liên kết với các lò mổ lớn ở Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm. Những năm gần đây, thịt bò 3B được người dân ưa chuộng nên giá luôn duy trì ở mức cao từ 85.000 - 90.000 đồng/kg. Doanh thu hằng năm đạt trên 15 tỷ đồng, trừ chi phí anh Doan thu lãi từ 3-4 tỷ đồng/năm. Hiện trang trại của anh đang tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương với mức lương 9 triệu đồng/người/tháng.

Vì chăn nuôi khép kín, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, anh Doan tận dụng triệt để phụ phẩm chăn nuôi. Anh xây khu vực nuôi giun quế rộng 400 m2, sử dụng phân bò đã được xử lý qua men vi sinh làm thức ăn. Giun quế cũng đóng vai trò quan trọng trong xử lý phân và chất thải chăn nuôi. Giun quế dễ nuôi, không đòi hỏi kỹ thuật cao. Mô hình còn có ưu điểm là chỉ đầu tư mua giống một lần, sau đó giun quế tự sinh sản và phát triển nên không tốn chi phí con giống cho vụ tiếp theo. Mặt khác, giun quế chỉ cần nuôi 1 tháng là cho thu hoạch, hiện thị trường tiêu thụ khá thuận lợi do nhu cầu lớn. Sản phẩm từ giun quế đa dạng, giá bán ổn định. Giá giun quế tươi từ 30.000-40.000 đồng/kg, phân giun quế từ 3.000-4.000 đồng/kg. Mỗi năm, anh Doan thu hơn 200 triệu đồng từ việc nuôi giun quế.

Đầu ra ổn định, kỹ thuật nuôi đơn giản nên anh Doan đang xây dựng thêm 2 nhà màng với diện tích 500 m2 để mở rộng mô hình nuôi giun quế. Anh dự tính sẽ cung ứng các sản phẩm từ giun quế như: giun quế sấy khô, bột giun quế, phân giun quế dạng viên nén… để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

z5420004709685_4591afb1799db7008fe9285039185145.jpg
Trang trại nuôi bò 3B của anh Doan sử dụng giun quế để xử lý chất thải chăn nuôi

Càng dấn sâu vào con đường làm nông nghiệp, anh Doan càng thấy rõ những bất lợi, bấp cập của ngành nghề chứa đựng nhiều rủi ro này. Bước đầu thuận lợi, thành công nhưng anh Doan vẫn chưa thôi trăn trở vì thị trường thịt bò hiện nay khá bát nháo, méo mó. Nhiều loại thịt bò đông lạnh giá rẻ xuất hiện tràn lan làm ảnh hưởng tới người chăn nuôi trong nước. Anh cho rằng cần phải có cơ chế tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ quyền lợi người chăn nuôi. Các cấp, ngành cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ, khuyến khích người chăn nuôi mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Hiện trang trại của anh Doan duy trì hoạt động ổn định, thu lợi nhuận đều đặn. Dẫu vậy anh chưa bằng lòng mà vẫn mải mê tìm hiểu để xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn kiểu mẫu.

Sinh ra ở miền quê nghèo, dù đã ly nông nhưng anh Doan luôn đau đáu, ước mong người dân quê mình có thể giàu lên từ nông nghiệp. Tuy nhiên làm nông không thể chộp giật mà phải lâu dài, bền bỉ và phù hợp với xu thế. Anh Doan khẳng định nông nghiệp tuần hoàn đang là hướng đi tất yếu để giảm thiểu tác động từ bên ngoài tới sản xuất. Anh luôn ấp ủ kế hoạch gây dựng mô hình chăn nuôi tuần hoàn khép kín. Tất cả sản phẩm, phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi đều có thể tận dụng. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng bấp bênh trong sản xuất nông nghiệp.

Đánh giá về trang trại nuôi bò 3B của anh Doan, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện Phạm Thị Nhung cho biết đây là mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu tại địa phương. Anh Doan đã dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng những kiến thức, kỹ thuật về nông nghiệp tuần hoàn để xây dựng trang trại chăn nuôi tuần hoàn, khép kín. Mô hình này góp phần mở ra hướng phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp của huyện, dẫn dắt nông dân hướng tới sản xuất bài bản.

ĐỖ QUYẾT-NGUYỄN MƠ
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nhân nuôi bò 3B ở Thanh Miện