Tỷ phú đồng quê

27/01/2019 12:01

Anh Nguyễn Văn Nam (39 tuổi) ở thôn Giữa, xã Cổ Dũng (Kim Thành) đã nỗ lực hết mình để vượt qua khó khăn và trở thành một tỷ phú nông dân nổi tiếng một vùng.

Dù công việc bận rộn nhưng anh Nam (bên trái) luôn quan tâm chỉ bảo, hướng dẫn công nhân lao động

Bước đi táo bạo

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết "con lợn" Kỷ Hợi, tôi có cơ hội gặp anh Nam tại khu trang trại nuôi lợn rộng lớn nằm trên cánh đồng thôn Giữa. Anh vừa kết thúc chuyến đi hơn 10 ngày tại các tỉnh miền núi Tây Bắc trở về từ đêm hôm trước.

Khu trang trại nuôi lợn với hơn 10 dãy chuồng được đầu tư khoa học theo công nghệ lạnh khép kín. Muốn đi vào trại, tất cả người, xe cộ đều phải trải qua quy trình khử trùng nghiêm ngặt và có cán bộ kỹ thuật giám sát. Dù là khu chăn nuôi lợn tập trung với quy mô hàng nghìn con nhưng gần như không có mùi hôi. Hệ thống chuồng trại đều được lắp điện sưởi ấm, quạt hút mùi, hệ thống bồn ăn tự động, hệ thống phun nước vệ sinh hằng ngày… nên trang trại sạch sẽ, thoáng mát.

Mặc dù là một ông chủ lớn nhưng phong cách của anh khá giản dị và cởi mở với nụ cười thân thiện. Sinh ra trong một gia đình có 3 anh em, bố mẹ đều xuất thân từ nông nghiệp nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Thấu hiểu nỗi vất vả của bố mẹ nên anh sớm có ý thức học tập tốt để sau này lập nghiệp. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh thi vào Trường Đại học Nông nghiệp 1 (Hà Nội). Năm 2003, sau khi tốt nghiệp đại học, anh đi làm cho một số công ty thức ăn chăn nuôi. Công việc xa nhà vất vả, thu nhập chẳng được bao nhiêu làm anh trăn trở. Nhiều đêm thức trắng, cầm trên tay tấm bằng cử nhân mà anh luôn đau đáu xem phải làm gì để lập nghiệp và phát triển kinh tế gia đình.

- Cách đây hơn chục năm, chưa bao giờ tôi dám nghĩ mình sẽ có một cơ ngơi như hôm nay. Thời ấy, có được công việc ổn định đã là may mắn đối với những người xuất thân thuần nông như tôi - anh Nam chia sẻ.

- Trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa mong muốn được thoát ly khỏi lũy tre làng tại sao anh lại lựa chọn quê hương làm nơi lập nghiệp? - tôi thắc mắc.

- Trong thời gian công tác, tôi có điều kiện đi nhiều nơi, biết nhiều mô hình chăn nuôi hay, hiệu quả kinh tế cao. Trong khi đó, đất ở quê mình lại rộng mà người dân cũng chỉ biết làm ruộng. Trong đầu tôi đã bật ra ý tưởng tại sao mình không về quê để lập nghiệp? Vậy là tôi quyết định trở về quê hương để đầu tư sản xuất. Khi ấy, đây là một quyết định táo bạo và mạo hiểm. Nhiều người còn nghĩ rằng đó là một quyết định sai lầm khi công việc của tôi khá ổn định - anh Nam chia sẻ.

Trở về quê với 2 bàn tay trắng, vốn tích lũy quý giá nhất của anh khi ấy là những kinh nghiệm trong sản xuất mà anh đã học hỏi được. Nghĩ là làm, anh bàn với gia đình vay thêm vốn để đầu tư trang trại nuôi lợn. Khi mới làm, anh và các thành viên trong gia đình cũng khá lo lắng. Phương châm của anh là vừa học, vừa làm để bổ sung những kiến thức chưa biết. Nhờ vậy, việc chăn nuôi của gia đình anh dần dần ổn định. Ngoài chăn nuôi lợn, anh còn đầu tư chăn nuôi thêm gà, vịt, chim bồ câu Pháp và lợn rừng.   

Năm 2010, thấy một số người dân không có nhu cầu sử dụng đất ruộng, anh bàn với gia đình thuê lại để canh tác. Anh Nam tìm hiểu thông tin trên sách, báo, đi nhiều nơi để học hỏi những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Từ đó, anh quyết định đầu tư trồng thêm 4,5 mẫu nếp quýt, 5 sào cà gai leo, 1.000 gốc đinh lăng và một số giống cây ăn quả khác.

Trong suốt quá trình lập nghiệp, con đường của anh Nam không phải lúc nào cũng trải "hoa hồng". Có những khi công việc không gặp thuận lợi nhưng chưa bao giờ anh chùn bước. Bởi anh tin rằng “có công mài sắt, có ngày nên kim”. Thời điểm khó khăn nhất đối với anh là giai đoạn cuối năm 2016 đến hết năm 2017. Khi ấy, giá lợn thịt trên thị trường giảm mạnh. Các đầu mối thu mua đều ngừng nhập sản phẩm lợn thịt. Nhiều người dân, trang trại chăn nuôi lao đao. Có người thậm chí còn vỡ nợ. Nếu trừ chi phí, số tiền mà anh thua lỗ phải tính đến vài tỷ đồng. Không nản chí, anh cùng gia đình cố gắng cầm cự để vượt qua giai đoạn khó khăn. 

"Có thời điểm, việc chăn nuôi không thuận lợi, các vùng xung quanh đều có dịch bệnh, thiệt hại nhiều nhưng chưa bao giờ tôi chùn bước. Sau mỗi lần như vậy, tôi lại nghiên cứu thay đổi quy trình chăn nuôi, hệ thống chuồng trại", anh Nam bộc bạch.

Thành quả ngọt ngào

Khu trang trại chăn nuôi lợn được đầu tư hiện đại theo công nghệ phòng lạnh khép kín

Không dừng lại ở việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nhận thấy nhu cầu sử dụng phân bón của nông dân ngày một tăng, anh Nam kêu gọi đầu tư nhà máy sản xuất phân bón tại địa phương. Năm 2005, anh thành lập Công ty TNHH Nam Điền chuyên sản xuất phân hữu cơ với số vốn gần 10 tỷ đồng, sản lượng hàng nghìn tấn mỗi năm trên diện tích 10.000 m2. Hoạt động của công ty đã giúp bà con nông dân trong huyện, trong tỉnh có thêm nguồn phân bón bảo đảm với giá cả phù hợp. Đến nay, thị trường của công ty đã mở rộng cả trong và ngoài tỉnh, có mặt ở những tỉnh vùng sâu, vùng xa như Yên Bái, Tuyên Quang… 

Sau gần 14 năm gắn bó, đến nay anh Nam đã có một cơ ngơi bề thế tại quê nhà. Hiện trang trại nuôi lợn của anh có quy mô lớn với số lượng 4.000 con lợn thịt, 200 con lợn nái, 50 con lợn rừng; đàn gà thịt 2.000 con; hơn 1.000 con vịt và 500 con chim bồ câu Pháp. Hằng năm, doanh thu của công ty đạt trên 30 tỷ đồng, lợi nhuận đạt từ 3-5 tỷ đồng. Công việc thuận lợi, công ty của anh Nam đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 120 lao động với thu nhập từ 5-9 triệu đồng/người/tháng.

Vợ chồng chị Đặng Thị Dung (30 tuổi) đã làm ở công ty của anh Nam được 4 năm nay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp 1. Công việc ổn định, chế độ luôn bảo đảm nên chị yên tâm gắn bó với công ty. “Không ngày nào anh Nam không có mặt ở trại chăn nuôi, thăm vườn cây. Nhiều khi anh còn góp ý cho chúng tôi trong từng khâu của quy trình sản xuất để việc chăn nuôi phù hợp và tiết kiệm công sức lao động. Vì vậy, ai cũng yêu quý anh”, chị Dung cho biết.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, anh Nam còn thường xuyên quan tâm, giúp đỡ các hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Anh tâm niệm, để giúp các hộ dân thoát nghèo, việc quan trọng là phải cho họ “cái cần câu" chứ không phải cho "con cá”. Người thì được anh nhận vào công ty để có việc làm ổn định, người được hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất và thoát nghèo. Hằng năm, anh Nam còn giúp đỡ trên 30 hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương với tổng số tiền từ 6-8 triệu đồng/hộ để đầu tư sản xuất. Đến nay đã có nhiều hộ thoát nghèo, cuộc sống ổn định. Người dân ở đây vẫn gọi anh với cái tên trìu mến “giám đốc nông dân” hay “tỷ phú nông dân”.

Ông Nguyễn Khắc Ngọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cổ Dũng cho biết: “Xã hiện có hơn 1.300 hội viên nông dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm qua, anh Nam là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu của phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đã có nhiều hỗ trợ cho hoạt động công tác hội và các phong trào khác của địa phương. Anh thật sự là một nhân tố tích cực, là tấm gương để nhiều hội viên khác trong xã nỗ lực và phấn đấu”.

Mặc dù có thành công khi còn trẻ nhưng anh Nam luôn giữ tính cách giản dị, chân chất của một người nông dân. Anh chia sẻ, trong mọi thành công của anh đều có sự đóng góp của gia đình và những người nông dân quê nhà. Năm 2012, anh là một trong 50 thanh niên vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi sớm kết thúc vì anh phải tiếp tục chuẩn bị cho một chuyến công tác mới đến với bà con nông dân vùng cao. Trước lúc chia tay, anh hẹn sẽ chia sẻ thêm về những dự định sản xuất mới trong tương lai sẽ được triển khai tại quê hương mà anh đang ấp ủ. Chúng tôi tin rằng, với sự năng động, sáng tạo, cần cù, anh sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều "quả ngọt" nữa.

ĐỨC TÂM

(0) Bình luận
Tỷ phú đồng quê