Bóng mây "COVID-19" đầy khó khăn và đau thương trùm kín toàn cầu trong suốt hai năm qua đang dần tan đi, nhường chỗ cho những tia sáng rạng rỡ hy vọng về thời khắc nhân loại vượt qua đại dịch.
Như một sự trùng hợp may mắn, đất nước bước vào mùa xuân Nhâm Dần trong niềm tin vững chắc hơn về sự trở lại cuộc sống bình thường, về viễn cảnh phục hồi và bật dậy của nền kinh tế với khí thế khởi đi từ tinh thần mạnh mẽ và dẻo dai của "năm con hổ".
Ngay trong những ngày đầu xuân mới, dáng dấp hy vọng đó có thể được nhìn thấy trong tấp nập dòng người chơi xuân ở Vũng Tàu, Sa Pa, Phú Quốc, Đà Lạt...
Bởi những con đường, điểm du lịch hay nhà ga, bến cảng đông đúc chính là hình ảnh sinh động nhất của một đời sống bình thường trở lại. Và ngay sau Tết, khi các trường học mở cửa trở lại và học sinh, sinh viên trở lại giảng đường, đó sẽ mảnh ghép cuối cùng cho thấy bức tranh u ám của dịch bệnh đã qua đi.
Tinh thần hành động để hiện thực hóa quyết tâm "mở cửa toàn diện" và trở lại bình thường cũng được khởi đi và thể hiện rõ từ chính những người đứng đầu bộ máy hành chính nhà nước.
Ngay trong những ngày Tết, Thủ tướng đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công tại nhiều điểm trải dài toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam rồi sân bay Long Thành. Chọn khởi đầu năm mới từ công trường của dự án hạ tầng chiến lược nhất đất nước, Chính phủ truyền đi một thông điệp rất rõ ràng: hành động nhanh và quyết liệt, để Nghị quyết số 11, ban hành ngày cuối cùng tháng 1.2022 của Chính phủ, về chương trình 5 điểm phục hồi toàn diện kinh tế - xã hội thực sự trở thành động lực cho việc mở cửa và bật dậy sau hai năm đất nước "ốm yếu" vì đại dịch.
Tinh thần quyết tâm của Chính phủ đối với hạ tầng "cứng" - giao thông, năng lượng - hy vọng cũng sẽ truyền "lửa" sang cho công tác xây dựng "hạ tầng mềm" - tức hệ thống thể chế, pháp luật. Sự chững lại của cải cách thể chế trong hai thập niên qua, trong bối cảnh cải cách hệ thống pháp lý về điều tiết nền kinh tế thị trường đi vào chiều sâu, và thêm vào đó hiệu lực của hệ thống tư pháp không theo kịp với tốc độ phát triển của khu vực doanh nghiệp; khiến chiếc áo thể chế đã trở nên quá chật cho một nền kinh tế "vạm vỡ".
Thách thức đó càng lớn hơn khi đất nước đứng trước ngưỡng cửa chuyển đổi số toàn diện và bước vào kỷ nguyên số.
"Cơn sóng COVID-19" đi qua cho thấy nội lực và sự dẻo dai của đất nước để ứng phó và vượt qua dịch bệnh. Nhưng cơn sóng đi qua cũng phơi bày những điểm yếu mang tính hệ thống - khoảng cách giàu nghèo giãn rộng, nhà cửa, an sinh xã hội với lao động di cư từ nông thôn ra thành thị còn yếu kém; hệ thống y tế ở nhiều nơi còn mỏng manh và dễ bị tổn thương trước thách thức dịch bệnh lớn.
Nhưng sau tất cả, quyết tâm đưa đất nước phát triển và thịnh vượng, bảo đảm thành quả tăng trưởng kinh tế được phân phối công bằng đến tất cả người dân sẽ là động lực đưa đất nước tiến lên. Sức mạnh của "ông ba mươi" sẽ tiếp thêm niềm tin cho mùa xuân đầu tiên - khi bóng tối và sự lạnh lẽo của "COVID-19" tan dần, nhường chỗ cho hy vọng và sự hứng khởi của một năm Nhâm Dần tràn đầy niềm tin đang đến.
Theo Tuổi trẻ