Đời sống văn hóa

“Tiến về Hà Nội” - Niềm tin ấp ủ của những người con luôn hướng về Thủ đô

VN (theo TTXVN) 10/10/2024 10:00

Trong một đêm mùa thu năm 1949 ở làng Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, nhạc sĩ Văn Cao đã cảm hứng sáng tác bài “Tiến về Hà Nội” với những lạc quan, tin tưởng ngày Giải phóng Thủ đô sẽ đến rất gần.

Phố Phùng Hưng phấp phới cờ hoa chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
Phố Phùng Hưng phấp phới cờ hoa chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô

Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố...

70 năm qua, những lời ca hào hùng, tha thiết ấy vẫn được hát lên đầy tự hào, đặc biệt vào mỗi dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10).

Đến nay, “Tiến về Hà Nội” vẫn là bài hát hay nhất viết về sự kiện này.

Bài hát “Tiến về Hà Nội” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào tháng 10/1949, trước 5 năm Thủ đô Hà Nội đón những đoàn quân về tiếp quản.

Vừa ra đời ca khúc đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt và nhanh chóng phổ biến bằng cách truyền khẩu. Những hình ảnh trong ca từ của “Tiến về Hà Nội” do cố nhạc sĩ Văn Cao vẽ nên trùng khớp với hình ảnh trong ngày Giải phóng Thủ đô 5 năm sau.

Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…

Những bức ảnh ghi lại thời khắc đoàn quân từ chiến khu trở về tiếp quản Hà Nội trong rừng cờ hoa, trong sự chào đón của người dân Hà Nội.

ttxvn_giai phong thu do.jpg
Nhân dân nồng nhiệt chào đón và tặng hoa cho các chiến sĩ trên đường vào tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954

Đặc biệt hơn, các Trung đoàn tiếp quản Thủ đô đều đi từ 5 cửa ô tiến vào nội thành tương tự như lời bài hát nhạc sĩ hình dung. Đó chính là linh cảm, là tài năng của sĩ Văn Cao mà chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nhận xét: “Trong âm nhạc, Văn Cao như một ông hoàng.”

Nói về hoàn cảnh ra đời ca khúc “Tiến về Hà Nội,” nhà thơ, họa sĩ Văn Thao, con trai của nhạc sĩ Văn Cao kể rằng: Vào thời điểm năm 1949, nhạc sĩ Văn Cao đang công tác ở Việt Bắc thì được Trung ương triệu tập đến dự buổi họp về tình hình chiến sự, chủ trương chuẩn bị tổng phản công.

Giới văn nghệ sĩ được giao nhiệm vụ có những sáng tác phục vụ cho kháng chiến, chuẩn bị cho cuộc Tổng phản công. Sau đó, nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Đình Thi và họa sĩ Tô Ngọc Vân được phân công về Khu 3 tiếp tục công tác và phổ biến chủ trương của Trung ương.

Khi đó, khu vực chợ Đại tại huyện Ứng Hòa, Sơn Tây nay thuộc Hà Nội là nơi tập trung giới văn nghệ sĩ Khu 3. Tại đây, nhạc sĩ Văn Cao tiếp tục làm báo Văn nghệ cùng với các anh chị em văn nghệ sĩ với tinh thần hăng say, mong ngày chiến thắng để trở về Hà Nội.

ttxvn_giai phong thu do (3).jpg
Thiếu nhi Hà Nội cùng người thân mang cờ chào đón bộ đội về giải phóng Thủ đô

Với tâm nguyện của một nhạc sĩ luôn hướng về cách mạng, hết lòng phục vụ kháng chiến, nhạc sĩ Văn Cao ấp ủ ý tưởng viết những dòng nhạc hay nhất cho cuộc Tổng phản công.

Trong một đêm mùa Thu ở làng Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, nhạc sĩ Văn Cao đã cảm hứng sáng tác bài “Tiến về Hà Nội” với những lạc quan, tin tưởng ngày giải phóng Thủ đô sẽ đến rất gần.

Ca khúc tràn ngập khí chiến thắng, vẽ nên một bức tranh hào hùng trong ngày giải phóng Thủ đô.

Bài hát ngay lập tức được giới văn nghệ sĩ đánh giá cao và được đông đảo người dân hưởng ứng, truyền nhau hát.

Tạ Tỵ là người được nghe đầu tiên, nhưng bản hùng ca này được cất lên đầu tiên bởi đội thiếu nhi của làng Đào Xá, chính họ được nhạc sĩ Văn Cao dạy hát bài này.

“Tiến về Hà Nội” nhanh chóng trở thành ca khúc được yêu thích nhất khi đó. Bản hùng ca với những ca từ hào hùng, lạc quan, tin tưởng đem lại cho người nghe một hy vọng lớn lao.

ttxvn_nhac sy van cao.jpg
Tượng sáp nhạc sĩ Văn Cao đặt tại Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sỹ Việt Nam trong Nhà hát Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh

Người nhạc sĩ tài hoa vẫn “vẽ” được hình ảnh: “Chúng ta đi nghe vui, lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố,” trong niềm sung sướng, tự hào: “Chúng ta đem vinh quang, sức dân tộc trở về” khi mà “cả cuộc đời vui tươi từ đây.”

Từ khi ra đời đến nay, “Tiến về Hà Nội” vẫn được nhiều người yêu mến và mãi sẽ là khúc ca khải hoàn của người Hà Nội, của dân tộc trong ngày vui, ngày kỷ niệm chiến thắng “Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần/Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về, Hà Nội bừng Tiến quân ca."

Bài hát khép lại và như mở ra trong lòng mỗi người âm hưởng của "Tiến quân ca” hùng tráng.

VN (theo TTXVN)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Tiến về Hà Nội” - Niềm tin ấp ủ của những người con luôn hướng về Thủ đô