Nhà văn Phù Thăng là tác giả lớn thân thiết, là người bạn viết gần gũi trong tâm tưởng đồng nghiệp và nhiều thế hệ bạn đọc Hải Dương! Kỷ niệm về ông luôn ấm áp bởi sự khiêm nhường chân tình tỏa ra từ một người viết với nhân cách lớn.
Năm 2002, khi đó thế hệ chúng tôi mới về nhận công tác tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Là lớp trẻ, lại ham đọc, tất cả tác phẩm của thế hệ tác giả đi trước chúng tôi đều lục tìm, đọc. Và được gặp tác giả của những tác phẩm đó ngoài đời thực sự là niềm vui rất lớn của chúng tôi.
Khi đó, giữa tiết đại hàn, chúng tôi “nghe” có “bác Phù Thăng” lên hội để chuẩn bị dự hội nghị tổng kết năm. Chưa gặp ông bao giờ nên tôi không hình dung nổi ông như thế nào. Từ ngoài hiên nhìn vào, tôi thấy một ông già nhỏ thó, đầu đội mũ len xanh, áo khoác ngoài bộ đội màu cỏ úa, quần vải đen bạc màu và dép lê màu đen! “Bác Phù Thăng” đấy. Việt Nga thì thầm. Ông ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế salon da, cả gương mặt rám nắng như cười. “Ngài viết Phá vây, Con những người du kích đây hử”, tôi thì thầm, Việt Nga gật gật. Chúng tôi ngắm ông. Nét đặc biệt nhất là đôi mắt ông tròn, sáng, sau mỗi ánh nhìn cứ lấp lánh như cười đầy cuốn hút, còn khuôn miệng móm mém lúc nào cũng mủm mỉm cười cười!
Sau lần đầu được ngắm ông, sau này, nhà ông ở thôn Tất Lại là địa chỉ quen cho chúng tôi tới. Khi thì vải chín, lúc lại bưởi vào vụ, bao giờ ông cũng nhắn: “Đám trẻ văn phòng hội về mà trẩy bưởi đi”. Ngày đó, về thôn Tất Lại hỏi người làng đường vào nhà ông, người dân chỉ biết có ông Phu đi cày, không biết nhà văn Phù Thăng.
Năm 2003, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức xuất bản trường ca Hoa vạn thọ, một tác phẩm được giải A của Báo Văn nghệ. Khi Hoa vạn thọ ra mắt, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức hội thảo về trường ca này. Nhà thơ Hà Cừ, lúc đó là Tổng Biên tập Báo Hải Dương tới dự có lời phát biểu ngắn gọn mà rất thấm thía: “Với tôi, nhà văn Phù Thăng là 1 trường hợp tác giả lớn hơn tác phẩm”.
Gần đây, nhân nói chuyện về nhà văn Phù Thăng, nhà thơ Hà Cừ tâm sự: “Ngày còn đi làm, ông hay gọi điện nói chuyện với mình. Có lần, ông đọc mấy câu thơ ông vừa làm tặng nhà thơ Hoàng Cầm, mình liền cầm bút ghi vội”. Tôi vội vàng: “Chú còn giữ được bản thảo bài thơ đó không?”. Nhà thơ Hà Cừ gật đầu. Bài thơ có nội dung như sau:
HOÀNG THƯƠNG
Cái mất, cái còn
(Nhớ Hoàng Cầm)Người đời sau nhớ Cầm
Là nhớ dòng sông Đuống
Cầm khuất 300 năm
Lá diêu bông vẫn sốngCái có thực trong đời
Và cái từ trong mộng
Cái còn là cái bóng
Cái mất là Cầm thôi!
11/2003PHÙ THĂNG