Tác phẩm dù đã in rồi, bản thảo gốc vẫn rất quý là bởi nó kết tinh mồ hôi nước mắt, tình cảm, trí tuệ của người sáng tác.
Người ta ví tác phẩm như đứa con tinh thần của nhà văn cũng chẳng ngoa.
Đứa con tinh thần ấy tồn tại dưới hai dạng: Dạng hồn vía là nội dung và nghệ thuật của tác phẩm không nhìn thấy được mà chỉ cảm nhận, mặc định hay dở rồi cất giữ trong tâm tưởng bạn đọc. Dạng vật chất là bản thảo viết tay, bản thảo đánh máy chữ, máy vi tính, sản phẩm đã in ấn, hoặc đưa lên mạng, nhà văn cất giữ thế nào là những câu chuyện dài bất tận. Tác phẩm dù đã in rồi, bản thảo gốc vẫn rất quý. Quý là bởi nó kết tinh mồ hôi nước mắt, tình cảm, trí tuệ của người sáng tác, là hình hài đầu tiên nhìn thấy.
Chuyện các nhà văn, nhà thơ giữ bản thảo thì tôi đã nghe nhiều nhưng vô địch cất giữ bản thảo lâu, kỹ lưỡng, gần như vẹn nguyên mà tôi biết là nhà thơ Anh Ngọc. Vừa rồi, ông công bố dài kỳ tiểu thuyết “Ngọn gió” trên Facebook cá nhân làm bạn văn bạn đọc hết sức bất ngờ và thú vị. Tiểu thuyết “Ngọn gió” ông sáng tác năm 16 tuổi với bút danh Giang Phong. Chữ viết chân phương, dáng đứng hơi nghiêng trên giấy học trò, từ năm 1959, đã 65 năm rồi, bằng cả một đời người.
Tôi nói chuyện với ông: “Lúc 16 tuổi, mà bác đã biết viết tiểu thuyết có tứ truyện, có cốt truyện, có lớp lang, đối thoại cá tính, ngôn ngữ sinh động, tấm lòng người viết chân thật, giàu cảm xúc quá. Bằng ấy tuổi, em còn đang lông nhông mải chơi, chả biết viết lách gì. Mà sao đã qua hai phần ba thế kỷ rồi, bác vẫn còn cất giữ được bản thảo thì quý hóa quá”.
Ông cười vui lắm, bảo: “Tớ có cái va li để ở nhà. Tất cả nhật ký tuổi học trò, rồi sáng tác thơ, văn đều bỏ vào đó khóa lại treo lủng lẳng trong góc nhà. Sau này, đi học đại học, đi công tác, vào lính, viết được cái gì cũng đều đem về cất giữ ở cái ba lô ấy”.
Nhà thơ Anh Ngọc chụp ảnh cái vali bằng da, bên trên xếp chồng xếp lớp hơn 30 tập bản thảo, sổ nhật ký ông ghi từ năm 14 tuổi gửi cho tôi xem. Quả thật, tôi bất ngờ về những kỷ vật và những trang bản thảo mà ông vô cùng quý giá, nâng niu. Nhiều tập bản thảo, nhiều trang viết đã ố vàng theo màu thời gian, nhưng màu mực dường như vẫn còn nguyên, chữ vẫn rõ ràng đọc dễ dàng.
Các bản thảo ông đều trình bày trang đầu rất công phu. Chẳng hạn trang nhất bản thảo “Số đào hoa”, ông vẽ bàn tay xòe ra có những đường chỉ, bên cạnh là cành hoa đào, dưới là dòng chữ in: NHẤT ĐỊNH PHẢI VIẾT CHO THÀNH CÔNG!
Tuổi trẻ thời nào cũng máu lửa như thế. Ông còn cắt những bài thơ in trên báo, cắt cả ngày, tháng, năm báo phát hành chỉ nhỏ bằng cái tem, rồi cắt một mảnh giấy xi măng, hoặc họa báo dùng làm “dàn đỡ” dán bài thơ lên để “đi cùng năm tháng”.
Ông sáng tác “Bài thơ gửi mẹ” ngày 16/8/1965 và ghi (Tặng mẹ Suốt, người lái đò dũng cảm) có khổ đầu: “Con viết bài thơ bên dòng sông Mã/ Mùa mưa rồi nước cuốn mông mênh/ Con bỗng nhớ mẹ trên dòng sông Nhật Lệ/ Vẳng giọng hò trong cô gái Bảo Ninh”, rồi bút ký “Ghi ở chiến trường” Quảng Trị đêm 12/3/1972, hoặc các bản thảo thơ, bút ký ông viết ở chiến trường K (Campuchia) đều được ông giữ cẩn trọng trong đáy ba lô, rồi khi có người ra Bắc, ông gói ghém kỹ lưỡng gửi về nhà cho bố mẹ ông cất giữ.
Ông bảo, Bảo tàng Hội Nhà văn muốn xin cái vali và các bản thảo của ông làm hiện vật, nhưng ông không nỡ rời xa chúng, ông muốn giữ cho mình, bởi cái va li và các bản thảo đã đi cùng suốt cuộc đời ông, nó như một phần máu thịt không thể tách rời ông.
Nhà văn SƯƠNG NGUYỆT MINH