Tác giả - Tác phẩm

Chuyện về nhà văn Khái Hưng

THIÊN GIA TRANG 24/12/2023 11:00

Khái Hưng viết truyện ngắn tuyệt hay, bởi ông quan sát tỉ mỉ và dùng ngòi bút tài tình.

Thường các nhà báo, nhà văn có bút danh. Mỗi người đều có ý tưởng riêng của mình khi chọn bút danh. Nhà thơ Nguyễn Khắc Hiếu, lấy tên sông Đà và núi Tản ghép với nhau thành Tản Đà. Nhà viết kịch, kiêm thi sĩ Thế Lữ (tên thật là Nguyễn Thứ Lễ) lại đổi vị trí chữ Ư và chữ Ê trong Thứ Lễ để làm thành bút danh Thế Lữ …

Nhưng với bút danh nhà văn Khái Hưng thì khá cầu kỳ!

Khái Hưng sinh năm 1896 (một số tài liệu ghi ông sinh năm 1895, 1897), là con quan tuần phủ Trần Mỹ. Thuở nhỏ ông có tên là Trần Giư (còn gọi Dư). Chỉ vì thích tính cách của vị tướng đời Trần là Trần Khánh Dư, nên ông tự thêm chữ Khánh vào tên mình, thành Trần Khánh Giư. Ông tháo rời các chữ cái trong hai chữ Khánh Giư ra, rồi sắp xếp lại thành “Khái Hưng”, lấy làm bút danh.

Hồi nhỏ ông học chữ Hán, sau mới chuyển sang học chữ Tây. Rồi ông ra Hà Nội dạy học tại Trường tư thục Thăng Long và gặp Nhất Linh kết bạn, trở thành một cặp tác giả nổi tiếng của Tự Lực văn đoàn.

Khái Hưng lấy vợ là con gái quan thượng thư triều Nguyễn, từng làm Tổng đốc Bắc Ninh. Bà tên là Lê Thị Hòa, biệt hiệu Nhã Khanh. Khi sáng tác nếu có chương đoạn nào viết về các bà phái thượng lưu, Khái Hưng thường hỏi thêm ý kiến vợ cho cẩn thận.

Khái Hưng viết truyện ngắn tuyệt hay, bởi ông quan sát tỉ mỉ và dùng ngòi bút tài tình, đặc biệt là ông tìm ra ý nghĩa của mọi việc trên đời, dùng ngôn ngữ giản dị trong sáng làm cho người ta cảm nhận chứ không gò ép.

Khái Hưng viết kỹ thuật tinh xảo, bố cục truyện giản dị, khéo léo. Tình tiết truyện thưa ít, động tác nhân vật ngắn gọn. Nhân vật trong truyện thường có tác phong, cử chỉ thanh thoát, lời nói hóm hỉnh duyên dáng. Văn ông có chất thơ, giàu trí tưởng tượng, bay bướm, có hình ảnh nhạc điệu, có nhiều trang viết đẹp như tranh, tươi mát cảnh làng quê Việt Nam. Ví như trong truyện "Gia đình", có đoạn tả thế này: Những cây cau thân thẳng và mảnh tỏa từng buồng hoa vàng xuống một mùi thơm phảng phất, thanh thanh của hoa chè: hai hương vị của nơi thôn dã.

Khái Hưng thường viết văn vào sáng sớm hoặc về khuya. Nếu trời lạnh, ông xếp bằng trên ghế mây, trước hết gây cảm hứng bằng cách ngâm nga vài câu chèo cổ hay trống quân, rồi nhả khói thuốc thành vòng tròn trên trần nhà...

Tính từ năm 1934 - 1942, ông đã xuất bản trên 20 cuốn sách, gồm truyện dài, truyện ngắn, vở kịch và truyện thiếu nhi. Các nhà nghiên cứu gọi ông là nhà văn của thanh niên.

THIÊN GIA TRANG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện về nhà văn Khái Hưng