Đoạn đường từ Hà Nội về làng Nhân Vực khoảng hơn hai mươi cây số, nhưng nhạc sĩ Phạm Tuyên (sinh năm 1930) phải mất gần tám chục năm mới đến?!
Tháng 9/2009, tôi về làng Nhân Vực, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang (Hưng Yên), là quê bà Lê Thị Vân, vợ nhà học giả Phạm Quỳnh để lấy tài liệu viết cuốn sách “Phạm Quỳnh - con người và thời gian”.
Thật bất ngờ, ở trong làng còn lưu giữ được những kỷ vật của cụ Phạm. Một cụ già trỏ lên chiếc hoành phi treo giữa gian đình bảo: “Đây, kỷ vật của cụ Thượng thư Phạm Quỳnh cung tiến”.
Các cụ còn kể rằng: Năm 1932, Phạm Quỳnh vào Huế tham chính. Mùa đông năm Đinh Sửu (1937), Phạm Quỳnh đi kinh lý Bắc Hà, tranh thủ về thăm quê vợ, đã cung tiến một đôi câu đối và bức hoành phi, có bốn chữ đại tự "Thông minh chính trực”.
Lại bất ngờ nữa, trong chùa làng có một cái khám bằng gỗ, có bài vị gia tiên nhạc phụ của Phạm Quỳnh. Bên ngoài khám còn đôi câu đối: "Bách thế bản chi bằng ấm tí/ Ức niên hương hoả tụy huân cao". Tạm dịch: "Trăm năm che chở cho con cháu/ Muôn đời nghi ngút giữ khói hương".
Các cụ kể: Sau ngày hoà bình lập lại năm 1954, gia đình con cháu của nhạc phụ Phạm Quỳnh vào Nam hết. Khi cải cách ruộng đất năm 1955, chính quyền địa phương đã trưng thu ruộng đất chia cho nông dân. Riêng cái khám thờ của gia đình, nông dân đã khiêng vào đặt ở nhà chùa.
Cũng tại nghĩa trang nhân dân xã Nghĩa Trụ, còn có mộ hai cụ thân sinh và mộ người em ruột bà Lê Thị Vân. Đặc biệt, nghĩa trang liệt sĩ của xã, có phần mộ của liệt sĩ Lê Thị Tâm, người em con cậu ruột của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã hy sinh những ngày đầu chống Pháp.
Khi những tài liệu trên được đăng trên Tạp chí Xưa Nay (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam), bấy giờ nhạc sĩ Phạm Tuyên, con trai Phạm Quỳnh mới biết. Ông thực sự cảm động, ngỏ lời muốn tôi đi cùng về quê mẹ của ông.
Nhạc sĩ trải lòng, khi 2 tuổi đã theo cha mẹ vào Huế. Năm 1945, cha mất. Năm 1952, mẹ mất. Anh chị em ruột thì cư trú nước ngoài. Chỉ Phạm Tuyên cùng anh là Phạm Khuê theo kháng chiến. Vẫn đinh ninh ở Nhân Vực chẳng còn ai thân thích.
Rồi một ngày cuối năm Canh Dần, Phạm Tuyên cùng con gái và người cháu ruột tìm về quê. Đoạn đường từ Hà Nội về làng Nhân Vực khoảng hơn hai mươi cây số, nhưng nhạc sĩ phải mất gần tám chục năm mới đến?! Ông bồi hồi ngắm nhìn kỷ vật của cha. Ông ra nghĩa trang thắp hương gia tiên bên ngoại và ngôi mộ liệt sĩ là em con cậu.
KHÚC GIA TRANG