Tác giả - Tác phẩm

Bài học quý từ 'Chiến đấu trong vòng vây'

NGUYỄN VIỆT THANH 22/12/2024 10:30

Ấn phẩm 'Chiến đấu trong vòng vây' của tác giả Hữu Mai, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - Thanh niên ấn hành năm 1995 ghi dấu một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Bìa cuốn sách
Bìa cuốn sách Chiến đấu trong vòng vây

"Chiến đấu trong vòng vây" là cuốn hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do Hữu Mai thể hiện.

Sách gồm 10 chương dày 440 trang như một bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến đấu của quân và dân ta từ sau ngày tuyên bố độc lập đến cuối 1950.

Sách dành 22 trang cho phần mở đầu và 30 trang phần cuối mang tính phân tích sự kiện ra đi tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và rút ra những bài học quý giá từ 5 năm chiến đấu trong vòng vây.

Sự hấp dẫn của cuốn sách là ở việc lý giải: Bằng cách nào một quân đội non trẻ mới một năm sau thành lập đã phải đương đầu với một kẻ thù mạnh hơn rất nhiều lần, bị bao vây tứ bề, đơn phương chiến đấu lại từng bước chiến thắng tạo tiền đề vững chắc cho những năm sau, tiến tới chiến thắng huy hoàng ở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có niềm tin vô song ở nhân dân, Người nói: “Có dân là có tất cả"... Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ là biểu tượng cao nhất về người lính của một quân đội chính nghĩa.

Từ dân, sức mạnh quân sự được khai thác ở mức cao nhất của chiến tranh nhân dân thần kỳ. Từ nền tảng có dân chúng ta lại có một bộ chỉ huy kháng chiến sáng suốt, một tấm lòng dĩ công vi thượng cao cả, một tinh thần đoàn kết nhất trí luôn bám sát thực tế chiến đấu, đứng trước mỗi tình huống đều tìm cách hóa giải một cách tài tình.

Sau ngày tuyên bố độc lập rồi đến toàn quốc kháng chiến, biết bao tình thế hiểm nghèo một giai đoạn lịch sử “ngàn cân treo sợi tóc" ta đều đã tháo gỡ một cách khéo léo.

Cuộc bầu cử thành công Quốc hội 6/1/1946 tạo tiền đề cho cơ sở pháp lý của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đến việc ký Hiệp định sơ bộ 6/3, Tạm ước 14/9 là những phép loại bớt kẻ thù cùng tranh thủ thời gian chuẩn bị cho kháng chiến. Lịch sử diễn biến biến mau lẹ, thời cơ không hề đợi ai. Bộ Chỉ huy kháng chiến đã nắm bắt một cách kịp thời, thông minh ứng phó khiến đối phương cũng không thể ngờ tới.

Ta chủ động du kích chiến trong thành phố đã khiến phương tiện chiến tranh hiện đại của Pháp không thể phát huy. Sáu mươi ngày đêm kìm chân quân địch trong TP Hà Nội với Pháp là một cuộc chiến kỳ dị , đủ thời gian cho ta tiêu hao đáng kể quân địch, khiến chúng không thể hung hăng lấn lướt, nhất là ta đã bảo toàn được lực lượng rút về căn cứ địa một cách ngoạn mục.

Tiếp đến cuộc chiến đấu bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc thu đông năm 1947 lại là sự bất ngờ với Pháp. Ta chủ trương không dàn trận mà lấy nhỏ đánh lớn, dựa vào địa hình rừng núi tìm ra những điểm yếu của địch trong từng trận mà đánh. Với mục tiêu đánh tiêu hao địch là chính song phải bảo toàn lực lượng của ta, kẻ thù như một gã khổng lồ cứ bị chảy máu dần và không nhận ra đâu là đối phương “thậm chí có lúc một tiếng gió thổi một tiếng nước chảy cũng làm cho họ giật mình..."

Dựa vào dân chính là tin tưởng mãnh liệt ở lòng yêu nước ở tài năng và sức sáng tạo vô tận của nhân dân. Ngày nay đọc lại ta không khỏi ngạc nhiên trong một thời gian ngắn phát động Tuần lễ vàng Nhà nước đã có được 370 kg vàng cùng 20 triệu đồng Đông Dương. Và chỉ trong một thời gian ngắn từ chỗ chỉ có bom càng, Cục quân giới đã sản xuất được bazoka, DKZ rồi mìn, lựu đạn, súng trường cùng hàng triệu viên đạn, sau này ta sản xuất được cả súng cối…

Đài Tiếng nói Việt Nam trong những ngày chiến đấu gian khổ vẫn tiếp âm đến tận Nam Bộ.…

Cuộc sống tại chiến khu mỗi ngày đi vào chiều sâu nghĩa là đã hình thành nên một nếp sống văn hóa kháng chiến quân và dân gắn bó như cá với nước, mọi người sống trong tình tương trợ giúp đỡ, ta mới hiểu hàng mấy chục vạn người kể cả bộ đội và người dân từ miền xuôi lên tản cư đùm bọc bên nhau, ngày đầu tuy rất khó khăn nhưng không để xảy ra nạn đói. Tại chiến khu ai có năng lực gì đều được phát huy, với người dân tích cực tăng gia sản xuất, người biết chữ dạy cho người chưa biết, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ đều hết mình cống hiến... Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến đã thấm sâu đến mỗi chiến sĩ cũng như mỗi người dân Việt Bắc.

Sau này các nhà sử học Pháp gần như thống nhất với một nhận định: “ … vào đầu năm 1950 nước Pháp đã thất bại trong ý đồ tái chinh phục Việt Nam bằng quân sự và đã lầy trong một cuộc chiến tranh không có kết thúc và không thể chiến thắng... Và cũng là một điều thú vị trong suốt cuộc chiến tranh Đông Dương ấy nước Pháp đã phải 7 lần thay đại tướng.

"Chiến đấu trong vòng vây" là cuốn sách của đa thanh, đa phong cách. Trước hết đó là cuốn sách viết về quân sự, song ta lại thấy một nhãn quan chính trị sắc bén, có thể nói là sự hòa quyện giữa quân sự và chính trị.

Cuốn sách được tác giả đặt tên thể loại là hồi ức cũng là xác đáng bởi không gian, thời gian quá rộng, quá nhiều tình tiết sự kiện không thể đi chi tiết được. Song vẫn có hơi hướng của hồi ký và chính nhờ có sự pha trộn này đã làm cho tác phẩm trở nên sinh động.

Những trang viết về sinh hoạt văn nghệ ở chiến khu, về bữa cơm đạm bạc tại nhà Bác Hồ hay buổi phong tướng… đều để lại ấn tượng khó quên đối với mỗi người đọc.

Có thể nói trong các trước tác của mình "Chiến đấu trong vòng vây" là một tác phẩm đặc sắc của đại tướng Võ Nguyên Giáp.

------------------------------

(*) Các chữ in nghiêng là dẫn lời từ trong sách

NGUYỄN VIỆT THANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài học quý từ 'Chiến đấu trong vòng vây'