Mô hình gia đình nhiều thế hệ: Trẻ muốn buông, già muốn giữ

26/03/2018 08:24

Người già thường thích trong gia đình có nhiều thế hệ cùng sinh sống nhưng những người trẻ tuổi, nhất là người trẻ ở thành phố thì cho rằng cách sống này đã không còn phù hợp...


Người già luôn muốn xây dựng gia đình nhiều thế hệ cùng sinh sống

Người trẻ muốn tự do

Tại các gia đình nhiều thế hệ thường có đông người, mỗi người một tính cách, một thói quen nên để hòa hợp được trong cùng một mái nhà không phải chuyện đơn giản. Những người trẻ hiện nay có nhu cầu được thể hiện cá tính, cái tôi cá nhân ngày càng cao, lối sống có phần tự do, phóng khoáng. Vì thế, ngày càng nhiều cặp vợ chồng trẻ lựa chọn tách ra ở riêng, dù có khi phải đi thuê nhà. 

Mỗi khi nhắc lại quãng thời gian ở chung với nhà chồng, chị Bùi Thị H. ở phố Ỷ Lan (TP Hải Dương) vẫn chưa hết cảm giác ngao ngán. Mẹ chồng chị vốn là người đi lên từ nghèo khó nên bà luôn sống rất tiết kiệm để dành dụm lo cho tương lai. Ngược lại, chị H. sống trong gia đình có điều kiện từ bé, không phải lo lắng nhiều về kinh tế nên chi tiêu khá thoải mái. Vì thế, có những lúc chị mua sắm thêm đồ dùng cho gia đình thì bị mẹ chồng phàn nàn là hoang phí. Đi làm bận rộn nên chị H. thường về muộn, mẹ chồng là người lo cơm nước trong gia đình. Hằng tháng, vợ chồng chị đều gửi bà tiền ăn, nhưng bữa cơm nào cũng chỉ vỏn vẹn đĩa rau, đĩa thịt. Do đó, chị H. thường chỉ ăn qua loa rồi đêm lại ra ngoài ăn thêm hoặc chuẩn bị sẵn ít đồ ăn trên phòng. Có những ngày nghỉ, vợ chồng chị H. muốn ngủ nướng nhưng mẹ chồng ở ngoài làm đủ thứ tạo tiếng động buộc vợ chồng chị phải dậy sớm. Không chỉ vậy, mẹ chồng chị H. thường hay tham gia vào mọi chuyện của vợ chồng con trai. Từ chuyện cơm nước, việc nhà cho đến cách chi tiêu, kinh tế riêng của hai vợ chồng. 

Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi chị H. sinh bé đầu lòng. Bữa cơm trong những ngày chị ở cữ hôm nào cũng chỉ có tý thịt nạc kho mặn hoặc đôi quả trứng gà luộc, thêm bát canh rau ngót. Đã nhiều lần chị bảo mẹ đổi món nhưng bà luôn rao giảng rằng ngày xưa bà còn không có gì ăn, thế là đủ chất rồi. Chị H. ít sữa nên con hay quấy khóc, bà không những không giúp lại hay cằn nhằn chị không biết chăm con. Quá bí bách, khi con trai tròn 1 tuổi, vợ chồng chị H. dọn ra ở riêng trong ngôi nhà thuê khá chật chội. "Ở nhà thuê dù không tiện nghi, rộng rãi bằng nhà bố mẹ chồng nhưng tôi thấy thoải mái hơn, không bị ai soi xét, đánh giá. Sau khi ra ở riêng, thỉnh thoảng cho con về thăm ông bà lại thấy quý mến nhau hơn thời gian ở cùng", chị H. chia sẻ.

Ra ở riêng bước đầu nhiều cặp vợ chồng trẻ sẽ gặp khó khăn về kinh tế song nhiều người vẫn chấp nhận để được sống thoải mái. Khi hai con còn bé, vợ chồng chị Hoàng Thị Nhung ở phố Ngô Hoán (TP Hải Dương) sống cùng với bố mẹ chồng. Nhưng từ khi bé thứ hai có thể đi gửi trẻ được, vợ chồng chị Nhung đã xây nhà riêng. Chị Nhung cho biết: "Ở đông người khó tránh những va chạm. Ra ở riêng tôi vui lắm, tự tay thu vén gia đình, sống không phải lo ngại bị xét nét". 

Người già muốn sống đại gia đình

Không thể phủ nhận những lợi ích mà đại gia đình mang lại cho các thành viên khi sống cùng một mái nhà. Trong gia đình đông người, người nọ, người kia sẽ giúp đỡ, san sẻ lẫn nhau. Nhà ông Nguyễn Văn Trung ở thôn Đông Phan, xã Tân An (Thanh Hà) đang có 4 thế hệ cùng sinh sống. Dù đông người, kinh tế chỉ ở mức trung bình nhưng gia đình ông Trung luôn rộn tiếng cười con trẻ. Khi các con về làm dâu, ông bà Trung luôn cố gắng để các con sống thoải mái nhất có thể. Ông bà đỡ đần cho các con việc nhà, chăm sóc cháu. Hai cô con dâu của ông Trung cũng sống rất tình cảm, biết để ý tới mọi người nên dù nhà đông người nhưng chưa hề xảy ra mâu thuẫn gì. "Các thành viên trong gia đình trên dưới phải hòa thuận, giúp đỡ và tương trợ nhau trong những lúc khó khăn. Sự hòa thuận là điều đáng quý nhất trong mỗi gia đình", ông Trung nói. 

Chị Đinh Thị Lan Anh ở phố Phan Bội Châu (TP Hải Dương) đã lập gia đình được gần 10 năm và cũng từng đó thời gian chị sống cùng nhà chồng. Nhà chồng chị còn bà nội chồng, bố mẹ chồng và hai em chồng chưa lập gia đình. Khi mới về làm dâu, chị Lan Anh chưa quen sống trong nhà nhiều người. Nhưng thấy tình cảm giữa mọi người rất gắn bó, ai cũng quan tâm, chia sẻ với nhau, dần dần chị cũng quen nền nếp sinh hoạt nhà chồng. Khi sinh con trai đầu lòng, chị được cả nhà hỗ trợ rất nhiều. Mẹ chồng chị chăm con, chăm cháu rất chu đáo, các em chồng chị cũng rất yêu thương cháu. 

Theo chị Phạm Thị Phương, Trưởng Ban Gia đình - xã hội (Hội Phụ nữ tỉnh), những gia đình có 3 - 4 thế hệ cùng chung sống trong xã hội hiện đại không còn nhiều. Mô hình gia đình hạt nhân hay nhiều thế hệ đều có những mặt tốt, mặt hạn chế. Việc lựa chọn mô hình gia đình nào tùy thuộc nhiều vào suy nghĩ, cách sống của mỗi người. Mô hình đại gia đình thường tạo môi trường tốt cho sự phát triển của con cái, sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình. Mô hình gia đình hạt nhân lại giúp các thành viên biết tự lập, trưởng thành hơn. Đó cũng là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại. 

Người xưa có câu "trẻ cậy cha, già cậy con" là cách sống truyền thống của nhiều gia đình Việt. Sống trong một đại gia đình, các thành viên luôn được nhiều hơn mất nếu họ được sống trong sự đùm bọc, yêu thương của các thành viên. Những thành viên trong gia đình đó cũng sẽ biết yêu thương, chia sẻ, bao dung với mọi người hơn. Để đại gia đình luôn hòa thuận, thì mỗi thành viên phải biết sống vì mọi người, biết nhẫn nhịn, dung hòa mọi thứ để cùng vun đắp hạnh phúc. 

THANH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mô hình gia đình nhiều thế hệ: Trẻ muốn buông, già muốn giữ