Dù tuổi cao, sức yếu, mắt mờ nhưng nhiều người già ở Hải Dương vẫn giữ thói quen đọc sách như ăn cơm, uống nước hằng ngày. Họ còn truyền cho người xung quanh, con cháu tình yêu với sách, báo.
Đó là tâm sự của ông Nguyễn Đức Tăng (84 tuổi) ở thôn Chuối, xã Lê Lợi (Gia Lộc). Dù tuổi cao song mỗi tuần ông Tăng đều dành 2-3 buổi lên Thư viện huyện Gia Lộc mượn sách để đọc. Ông gần như đã đọc hết các loại sách trong thư viện, có cuốn nào mới là ông phải mượn cho kỳ được. Ngoài ra, ông còn mua thêm nhiều sách, báo bên ngoài về đọc. “Ngày nào tôi cũng dành vài tiếng để đọc sách, báo và xem tin tức. Thông tin trong sách khác với những loại thông tin khác, giúp tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống", ông Tăng nói.
Tình yêu với sách của ông Tăng có từ khi còn nhỏ. Lúc mới đi học, do có thành tích tốt nên ông được nhà trường tặng 1 cuốn sách. Ông đọc đi đọc lại đến mức thuộc lòng và thường xuyên kể cho bạn bè nghe. Từ đó, ông thấy sách, báo thú vị, mang đến nhiều điều mới mẻ nên thường xuyên tìm đọc. Ông Tăng cho biết thêm: “Dù tuổi cao và mắt mờ nhưng tôi vẫn thích đọc. Trong nhà tôi có đến hàng trăm cuốn sách, từ cổ chí kim. Đến giờ tôi vẫn còn thuộc nhiều tác phẩm như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm…”.
Nhiều người già ở Hải Dương vẫn giữ thói quen đọc sách, có người hình thành từ nhỏ, song cũng có người mới tìm được niềm vui này. Ông Trần Đức Cẩm, năm nay gần 80 tuổi, ở đường Nguyễn Thị Duệ (TP Hải Dương) cho biết năm 2015, trong một lần đi điều dưỡng, ông được người bạn cùng phòng chia sẻ về những thông tin sách, báo mang lại, thấy thú vị nên ông tìm đọc thử. "Thế rồi tôi bị sách, báo hấp dẫn lúc nào không hay. Đến nay, tôi duy trì thói quen đọc sách hằng ngày. Mỗi lần tôi đến thư viện mượn 2-3 cuốn, đọc xong tôi lại đổi cuốn khác”, ông Cẩm nói.
Với ông Nguyễn Thế Hùng, năm nay ngoài 60 tuổi, ở phố Hồng Châu (TP Hải Dương) nếu mỗi ngày không dành vài tiếng đọc sách thì cảm thấy thiếu cái gì đó. Ông Hùng cho biết: “Đọc sách giống như cơm ăn, nước uống hằng này nên không thể thiếu được".
Những kiến thức tích lũy được trong nhiều năm công tác và tự học đã giúp ích cho ông Đặng Văn Nhạc ở khu La Tỉnh, thị trấn Tứ Kỳ trong cuộc sống. Dù đã nghỉ hưu gần 20 năm nay, nhưng vẫn có nhiều xã, dòng họ nhờ ông viết lịch sử, gia phả hay làm câu đối trong đình. “Viết sử khác với những loại sách khác phải bảo đảm chính xác tuyệt đối. Vì thế, trước khi bắt tay vào thực hiện, tôi phải tìm đọc rất nhiều. Kết hợp với những kiến thức trong cuộc sống thì mới đưa ra những kết luận chính xác”, ông Nhạc nói.
Không chỉ ham thích đọc sách, những người cao tuổi đã lan truyền tình yêu đọc sách đến cho nhiều người thân trong gia đình. Ông Nhạc cho biết hiện nay các con, cháu ông cũng thích đọc sách. Để hun đúc tinh thần đó, ông Nhạc có cách làm riêng. Vào ngày lễ, Tết, sinh nhật hay có sự kiện gì đặc biệt, ông đều khen thưởng bằng cách tặng sách cho con, cháu và cùng con cháu đọc sách. Nhờ đó, các con, cháu của ông Nhạc cũng đạt được nhiều thành tích trong công việc và học tập.
Còn với ông Cẩm, từ khi ông đọc sách, vợ của ông cũng học thói quen này. Hai ông bà chia nhau đọc từng cuốn sách mượn từ thư viện về. “Chúng tôi đọc và cùng nhau thảo luận những điều viết trong sách”, ông Cẩm nói.
Chị Lê Thị Lan, cán bộ Thư viện huyện Gia Lộc cho biết hiện nay có nhiều người cao tuổi là độc giả "ruột", thường xuyên đến thư viện mượn sách và đọc với tinh thần nghiêm túc. Họ đã làm cho những cuốn sách trong thư viện có ý nghĩa hơn. Họ cũng truyền tình yêu đó đến với người khác, giúp phong trào đọc được lan tỏa rộng rãi. "Công sức của những người cao tuổi trong giữ gìn, phát triển văn hóa đọc rất lớn, những người làm công tác thư viện như chúng tôi rất trân trọng", chị Lan cho biết.
THANH HÀ