Có nhiều cách để nhớ ngày Giỗ Tổ nhưng việc làm ý nghĩa và thiết thực nhất vẫn là sống sao cho xứng với truyền thống tốt đẹp của cha ông.
Trước đây, khi ngày 10.3 âm lịch chưa là ngày nghỉ theo quy định, nhiều người Việt Nam có lẽ chỉ nhớ đó là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương theo câu ca dao: "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba". Lẽ dĩ nhiên trong ngày này không thể thiếu các nghi thức tưởng niệm Vua Hùng tại đền thờ Hùng Vương ở Phú Thọ và một số nơi.
Từ khi ngày này được coi là ngày quốc lễ và trở thành ngày nghỉ hằng năm theo quy định, hoạt động trong ngày Giỗ Tổ cũng phong phú hơn. Nhiều nhà coi đây là dịp đoàn tụ gia đình hoặc tranh thủ ngày nghỉ để đi du lịch, thư giãn... Thế nên nếu gõ từ khóa tìm kiếm "Giỗ Tổ Hùng Vương" trên Google thì kết quả được hiển thị đầu tiên và nhiều nhất vẫn là lịch nghỉ ngày Giỗ Tổ.
Có nhiều cách, nhiều việc để làm trong ngày Giỗ Tổ nhưng theo tôi vẫn nên dành ngày này để nhớ về cội nguồn dân tộc, về ý nghĩa của hai tiếng "đồng bào". Thế hệ chúng tôi ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ai cùng từng được đọc, được nghe truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ với "cái bọc trăm trứng". Câu chuyện ấy lý giải nguồn gốc của người Việt Nam và cũng lý giải nguồn gốc của hai tiếng "đồng bào".
Từ nghìn đời nay, người Việt Nam đối với đồng bào mình vẫn luôn là tinh thần tương thân tương ái. Chúng ta có thể nhìn thấy những nghĩa cử cao đẹp ấy trong chiến tranh, khi đất nước bị nguy nan, bị ảnh hưởng bởi thiên tai và mới đây thôi là trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Thế nhưng, khi trở lại cuộc sống bình thường, lại có nhiều vấn đề khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ về hai tiếng "đồng bào". Chuyện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là một ví dụ. Mấy vụ ngộ độc liên quan đến pa tê chay vừa qua cho thấy sự thiếu trách nhiệm của nhà sản xuất với người tiêu dùng, nói cách khác là với đồng bào mình. Nhiều người Việt cảm thấy e ngại khi sử dụng nông sản của cả Việt Nam và Trung Quốc đang lưu hành ở thị trường trong nước bởi vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, thuốc kích thích... Một số sản phẩm của Trung Quốc không tốt, nhưng nếu không có người Việt đưa vào thị trường trong nước thì người Việt sao có thể mua? Đối với sản phẩm của Việt Nam càng khỏi phải nói, mặc dù các cấp, các ngành liên tục khuyến cáo, tuyên truyền, vận động sản xuất nông sản sạch, nhưng tỷ lệ sản phẩm sạch trên thị trường được bao nhiêu phần trăm khó mà tính toán được. Hẳn là, mỗi khi đưa đến người tiêu dùng một sản phẩm chưa sạch, sản phẩm không an toàn, các nhà sản xuất, kinh doanh đó đã không nghĩ đến hai tiếng "đồng bào".
Tương tự thế những hành vi thiếu ý thức gây ô nhiễm môi trường, việc lén lút đưa người nhập cảnh trái phép không tuân thủ quy định phòng dịch, hoạt động buôn bán hàng giả, hàng cấm... làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng đều đi ngược lại với truyền thống tương thân tương ái, "người trong một nước phải thương nhau cùng" từ xưa đến nay.
Nhiều người cho rằng chỉ cần ra tay giúp đỡ người xung quanh lúc khó khăn, hoạn nạn là đã trọn nghĩa đồng bào. Suy nghĩ ấy không sai, nhưng chưa đủ. Tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau đương nhiên là việc nên làm và phải làm. Nhưng không làm hại nhau bằng cách này hay cách khác cũng là việc không kém phần quan trọng. Đây không phải là lý thuyết chỉ để nói suông mà cần được thực hiện bằng những việc cụ thể, đơn giản như sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cũng đã rất đáng quý rồi.
Có nhiều cách để nhớ ngày Giỗ Tổ nhưng việc làm ý nghĩa và thiết thực nhất vẫn là sống sao cho xứng với truyền thống tốt đẹp của cha ông.
HOÀI ANH