Các món ăn đặc trưng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, cũng là lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng Tổ, được xem như biểu tượng của trời, đất và sự phồn thịnh của đất nước.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày 10/3 Âm lịch hằng năm tại Đền Hùng thuộc TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam, là dịp để tưởng nhớ công ơn các vị vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Năm nay, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào thứ năm ngày 18/4 dương lịch.
Ngoài hai lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng Tổ là bánh chưng, bánh giầy, còn có một số món ăn đặc trưng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương khác được chuẩn bị cho mâm cỗ dâng cúng. Đó đều là những món được làm từ sản vật địa phương, là sản phẩm của nền nông nghiệp như xôi (xôi gấc hoặc xôi vò), gà luộc, thịt lợn, mâm ngũ quả, hương hoa, bánh khảo, bánh cốm, oản...
Bánh chưng thực sự là một món ăn truyền thống không thể thiếu trong các ngày lễ ở Việt Nam, cũng là món ăn đặc trưng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Sự tích về nguồn gốc bánh chưng gắn với tên tuổi vị Hùng Vương đời thứ 7, người mà khi còn là hoàng tử được biết đến với cái tên Lang Liêu.
Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất mẹ, được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn... là những sản vật của đất, là những thứ mà đất mẹ cung cấp, nuôi sống con người. Lá xanh bọc ngoài tượng trưng cho sự yêu thương đùm bọc của cha mẹ đối với con cái.
Bánh chưng ngày nay được biến tấu, có thêm nhiều loại nguyên liệu khác nhau như trứng cút, hải sản, hạt sen... để tạo ra những phiên bản mới lạ, độc đáo và cuốn hút hơn. Tuy nhiên, bánh chưng cúng các vua Hùng luôn là loại truyền thống.
Bánh chưng không chỉ là món ăn ngon mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết, sự kính trọng và tôn vinh truyền thống của dân tộc Việt Nam trong các ngày lễ quan trọng.
Cùng với bánh chưng, bánh giầy là một món ăn đặc trưng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, là thành phần không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Tổ. Bánh cũng được làm từ gạo nếp, nặn hình tròn tượng trưng cho trời. Đây là một trong hai món lễ vật mà Lang Liêu dâng lên vua cha, giúp vị hoàng tử này giành được quyền kế vị.
Gà luộc là một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của người Việt, và mâm cúng Giỗ Tổ Hùng Vương cũng vậy. Không chỉ là sản phẩm chăn nuôi quen thuộc hay món ăn được ưa thích, con gà trống trong văn hóa Việt còn có nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Nó là biểu tượng của sự mạnh mẽ, cương trực, là phẩm chất, khí tiết của người quân tử, tượng trưng cho chân thiện mỹ. Gà trống với tiếng gáy gọi mặt trời cũng là biểu tượng của thời gian, của tuần hoàn vũ trụ, của ánh sáng xua tan bóng tối.
Xôi gấc là một trong những món không thể thiếu trong mâm cúng Giỗ Tổ Hùng Vương. Món ăn này không chỉ thơm ngon mà còn nổi bật bởi màu sắc bắt mắt. Xôi gấc được làm từ gạo nếp và hạt gấc, màu đỏ rực rỡ của nó tượng trưng cho may mắn, tài lộc và sự thịnh vượng.
Việc dâng cúng xôi gấc được coi là cách thể hiện lòng kính trọng và tôn vinh tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn của con cháu.
Đây cũng là món truyền thống trong các mâm cỗ của người Việt Nam. Tùy theo từng vùng miền, nguyên liệu làm nem rán có thể khác nhau, tạo ra những hương vị đặc trưng riêng biệt.
Công thức làm nem rán rất linh hoạt, có thể thay đổi theo khẩu vị, sở thích của mỗi gia đình hay điều kiện về nguyên liệu. Bạn có thể sử dụng thịt heo, tôm, cua, cá, rau cải, nấm, hành tây, và các loại gia vị để tạo ra những loại nem rán đa dạng và phong phú.
Cơm hạt sen cũng là món ăn phù hợp để cúng Tổ cũng như thưởng thức trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Món ăn này có hương vị thanh khiết. Từng hạt cơm mềm thơm được trộn đều với hạt sen và nhiều loại rau củ giòn, thanh mát, thịt tôm đậm đà, tạo nên một hương vị đặc biệt và hấp dẫn.
Cơm hạt sen được gói trong lớp lá sen xanh mướt, tạo nên một bức tranh hài hòa, bắt mắt. Đây là món ăn tinh tế từ màu sắc đến hương và vị.
Việc chuẩn bị món ăn này trong mâm cúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương cũng là cách thể hiện lòng thành kính với tổ tiên của dân tộc.
Bạn có thể dùng các món ăn đặc trưng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương kể trên để dâng cúng trong ngày lễ 10/3 âm lịch và thưởng thức cùng gia đình.
T.H (theo VTC News)