Hướng dẫn tiêm vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm

27/03/2020 07:24

Thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, mưa nắng thất thường, độ ẩm không khí cao, là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát sinh và lây lan.


Tiêm vaccine cho đàn gia súc cần đúng liều lượng, đúng vị trí

Để công tác tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC) vụ xuân đạt kết quả cao, ngành thú y hướng dẫn một số nội dung kỹ thuật thực hiện tiêm phòng như sau:

1. Thời gian tiêm phòng: 

Tiêm phòng vào vụ xuân bắt đầu từ tháng 3 đến hết tháng 4 hằng năm. Ngoài ra, hằng tháng chủ hộ chăn nuôi cần chủ động tiêm phòng bổ sung cho số GSGC mới phát sinh chưa được tiêm phòng.

2. Bảo quản vaccine:

- Vaccine phải bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 8 độ C (trong ngăn mát tủ lạnh), tránh ánh sáng mặt trời. Riêng vaccine tai xanh nhược độc chủng JXA1-R bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh.

- Vaccine khi vận chuyển phải đựng trong hộp xốp có đá lạnh và cần bao gói kỹ, tránh hiện tượng va đập.

3. Kỹ thuật tiêm phòng vaccine:

- Cơ sở, người chăn nuôi phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, bảo hộ như bơm tiêm, kim tiêm, panh, bông, cồn, hộp xốp bảo quản vaccine, quần áo bảo hộ, ủng, khẩu trang, găng tay, thuốc sát trùng... Bơm kim tiêm phải vô trùng
bằng cách luộc sôi, để nguội; khi tiêm sang hộ khác phải thay kim tiêm.

- Những người tham gia tiêm phòng phải thực hiện tốt an toàn sinh học để không làm lây lan dịch bệnh bằng cách rửa tay chân bằng xà phòng hoặc thuốc sát trùng. 

- Trước khi tiêm lấy vaccine ra khỏi hộp xốp để ở nhiệt độ thường trong khoảng 10-20phút cho nhiệt độ vaccine gần bằng nhiệt độ bên ngoài. 

- Vaccine khi đã mở nắp chỉ sử dụng trong ngày, nếu không hết phải bỏ đi. Riêng vaccine dịch tả lợn, tai xanh… phải được pha bằng dung dịch pha của nhà sản xuất, sau khi pha chỉ sử dụng trong vòng 4-6tiếng. Không sử dụng những chai vaccine đã bị biến màu hoặc lớp nhũ dầu bị tách lớp.

- Các địa phương trước khi tiêm phòng phải tổ chức thống kê tổng đàn. Trong quá trình tiêm phải quan sát kỹ tình trạng sức khỏe đàn vật nuôi, không tiêm cho những đàn vật nuôi có biểu hiện ốm, nghi ốm và quản lý theo dõi tình trạng sức khỏe đàn vật nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Trong quá trình tiêm cần tuân thủ nguyên tắc 3 đúng: đúng đối tượng, đúng liều lượng, đúng vị trí. Sau khi tiêm phải theo dõi đàn vật nuôi trong thời gian từ 2-3 ngày, nếu có trường hợp bị phản ứng phải báo ngay cho thú y cơ sở để có biện pháp can thiệp kịp thời. 

- Ghi chép đầy đủ thông tin vào biểu mẫu tiêm phòng theo quy định. Các địa phương quản lý, sử dụng vaccine đúng mục đích, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí. Những loại vaccine do Nhà nước hỗ trợ sau khi sử dụng phải thu vỏ lọ nộp về Chi cục Thú y.

Người chăn nuôi nên liên hệ với kỹ thuật viên thú y phường, xã hoặc trạm thú y tại địa phương để được hướng dẫn và tiêm phòng vaccine cho vật nuôi, góp phần bảo vệ lợi ích cho chính mình và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng dẫn tiêm vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm