Nông nghiệp - Nông thôn

Đêm ở nơi xuất hiện sự cố đê điều tại Hải Dương

DŨNG CƯỜNG 14/09/2024 15:00

Mưa lũ sau bão số 3 đã làm phát sinh nhiều sự cố công trình đê điều tại Hải Dương. Đây là những trọng điểm, điểm xung yếu nguy hiểm, nếu không được theo dõi chặt chẽ sẽ dẫn tới hậu quả khó lường. Về đêm, việc bảo vệ các vị trí này càng khó khăn hơn.

00:00

z5829132300946_058211d07329a3e9a5f66f7a6282d89e.jpg
Hạt Quản lý đê Thanh Hà phối hợp lực lượng tuần tra, canh gác xã Thanh Hồng kiểm tra đoạn đê xung yếu trên địa bàn

Đoạn đê tả sông Thái Bình qua xã Thanh Hồng (Thanh Hà) nhiều năm nay nằm trong trọng điểm đê điều cấp tỉnh. Năm nay, đoạn đê này cũng là trọng điểm về đê điều cấp tỉnh duy nhất của Hải Dương. Khu vực này địa chất nền và thân đê xấu, là đất pha cát, tầng phủ mỏng, đã xuất hiện nhiều sự cố đê điều là lỗ rò, thẩm lậu… Đặc biệt năm 1996, tại đây đã xảy ra sự cố vỡ đê gây hậu quả nghiêm trọng. Những ngày qua, khi nước sông Thái Bình dâng cao, vượt mức báo động III, đoạn đê qua địa bàn xã Thanh Hồng lại càng nguy hiểm, phát sinh nhiều sự cố.

z5829137427507_6c0fa1570138ce90225acfeb699249ed.jpg
Vị trí lỗ rò thân đê được phát hiện kịp thời

Theo ông Lê Quý Sự, Chủ tịch UBND xã Thanh Hồng, từ ngày 9/9 nước sông Thái Bình dâng cao, đe dọa tới an toàn đoạn đê qua xã. Không chỉ bị tràn nước, đê còn phát sinh nhiều mạch đùn, mạch sủi, lỗ rò rất nguy hiểm. Nhiều lực lượng khẩn trương xử lý chống tràn 500 m đê bằng biện pháp đắp bao tải đất. Đến đêm 13/9, lực lượng tuần tra, canh gác cũng phát hiện hơn 20 sự cố lỗ rò.

z5829126700469_e82a5049a83cd53a6f2d94f24bf4b691.jpg
Đoạn đê dài 500 m ở xã Thanh Hồng được đắp bao tải cát chống tràn

“Xác định đoạn đê trên địa bàn xã rất xung yếu, có thể đe dọa an toàn đê điều, ngoài lực lượng canh đê, địa phương còn thành lập 1 tổ chuyên dò tìm mạch đùn, mạch sủi với 10 thành viên. Các lực lượng tuần tra liên tục, bất kể ngày đêm. Riêng tại những điểm xuất hiện sự cố được canh giữ, theo dõi nghiêm ngặt”, ông Sự thông tin.

z5829128305398_06956d16027b66d1fd0d00d22f56d654.jpg
Đêm 13/9, mực nước sông Thái Bình đoạn qua xã Thanh Hồng vẫn ở mức cao

Ông Ngô Bá Miển ở thôn Lập Lễ, xã Thanh Hồng là thành viên tích cực trong lực lượng tuần tra, canh gác, bảo vệ sự cố đê điều của địa phương. Ông cho hay tuy các sự cố được phát hiện sớm, xử lý kịp thời nhưng mọi người vẫn cảnh giác cao, nhất là vào ban đêm. Các kíp trực luôn sẵn sàng, lật từng vạt cỏ ở triền đê, rà soát kỹ càng khu trong đồng để tìm mạch đùn, mạch sủi. Ông Miển nói: “Chúng tôi là người có kinh nghiệm trông giữ đê và cũng chứng kiến sự cố vỡ đê tại địa phương năm 1996. Do đó, ai cũng nghiêm túc chấp hành quy định về tuần tra, canh gác đê”.

z5829124797322_f63eaae09ead0db41b0032779d4889ea.jpg
Hạt Quản lý đê Tứ Kỳ và lực lượng tuần tra, canh gác xã An Thanh liên tục rà soát, kiểm tra các vị trí đê hữu sông Thái Bình

Rạng sáng 14/9, đoạn đê hữu sông Thái Bình qua xã An Thanh (Tứ Kỳ) lấp loáng ánh đèn pin. Sự cố lỗ rò nước trong thân đê được phát hiện từ chiều 13/9 và được theo dõi chặt chẽ diễn biến. Lực lượng tuần tra, canh gác liên tục cập nhật tình hình, sự cố cho lãnh đạo các cấp để nắm tình hình, chỉ đạo xử lý kịp thời. Ông Phạm Văn Lanh ở thôn An Định cho biết đoạn đê qua xã được quan tâm tu bổ nhưng không vì thế mà lực lượng canh đê lơ là, mất cảnh giác. Những sự cố nhỏ nếu không được phát hiện sớm, xử lý ngay sẽ nhanh chóng diễn biến thành sự cố lớn.

z5829122645927_de06b5be3a7525512ee31b74ffeebcff.jpg
Lực lượng tuần tra, canh gác báo cáo ngay trong đêm về diễn biến sự cố đê điều

Huyện Tứ Kỳ là địa phương xuất hiện nhiều sự cố đê điều trong đợt mưa lũ này. Tính đến 8 giờ ngày 14/9 toàn huyện phát sinh 12 sự cố đê điều. Huyện đã cơ bản xử lý các sự cố, cắt cử lực lượng bảo vệ, theo dõi diễn biến.

Ông Vũ Xuân Thiết, Phó Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Tứ Kỳ cho biết: “Để bảo đảm an toàn tuyến đê, hạt tăng cường phân công kiểm soát viên phụ trách tuyến, phối hợp lực lượng địa phương hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình xử lý sự cố”.

Cắm
Cắm nêu đánh dấu vị trí lỗ rò để tiện theo dõi, xử lý

Trực tiếp kiểm tra các điểm xuất hiện sự cố đê điều vào đêm 13/9, rạng sáng 14/9, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phạm Thị Đào đề nghị các lực lượng tuần ta, canh gác khắc phục khó khăn để làm nhiệm vụ. Những ngày tới, mực nước các sông tại Hải Dương sẽ giảm nhưng xuống chậm nên còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Vì thế, các lực lượng canh đê, bảo vệ điểm xung yếu, khu vực phát sinh sự cố không được chủ quan, lơ là để góp phần bảo vệ an toàn hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh.

z5829120823806_434722870dc1cb0463a0504dfe86a272.jpg
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Phạm Thị Đào kiểm tra, động viên lực lượng tuần tra, canh gác đê bảo vệ sự cố đê điều tại xã An Thanh (Tứ Kỳ) vào rạng sáng 14/9

Đến 8 giờ ngày 14/9, toàn tỉnh Hải Dương phát sinh 243 sự cố đê điều. Các sự cố chủ yếu là lỗ rò nước, sạt mái đê, tràn đê… Trong đó có 242 sự cố đã được xử lý, còn 1 sự cố ở TP Chí Linh đang xử lý. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đề nghị UBND cấp huyện phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu theo phương châm 4 tại chỗ. Các sự cố đã xử lý tiếp tục theo dõi chặt chẽ, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực để xử lý ngay nếu sự cố tiếp tục có diễn biến xấu.

DŨNG CƯỜNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đêm ở nơi xuất hiện sự cố đê điều tại Hải Dương