Y tế - Sức khỏe

Ai cần tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu?

VN (theo VTC News) 10/07/2024 07:52

Tiêm vaccine bạch hầu đủ lịch, đúng liều sẽ giúp tránh được mắc bệnh, vậy ai cần tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu?

Theo bác sĩ Trần Quang Đại, Phòng Tiêm chủng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền chủ yếu theo đường hô hấp. Bệnh này do trực khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae) gây nên.

Bệnh bạch hầu thuộc nhóm B (là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và tử vong) trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Nhờ có chiến lược tiêm chủng vaccine Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván (DPT) trong chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1981 mà tỷ lệ nhiễm bạch hầu giảm mạnh vào những năm 2010.

Việc tiêm ngừa đủ lịch, đúng liều sẽ giúp tránh được mắc bệnh. (Ảnh minh hoạ)
Việc tiêm ngừa đủ lịch, đúng liều sẽ giúp tránh được mắc bệnh

Ai cần tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu?

Vaccine phòng bạch hầu được khuyến cáo tiêm ngừa cho tất cả trẻ nhỏ, 3 liều lúc trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi và nhắc lại lần 1 vào lúc 18 tháng tuổi. Phụ huynh có thể lựa chọn cho con tiêm vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 có thành phần bạch hầu. Mũi tiêm kết hợp phòng 4 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib; thêm bại liệt, viêm gan B tùy loại vaccine.

Trẻ từ 4-6 tuổi giai đoạn này cần tiêm nhắc lại vaccine có thành phần bạch hầu. Phụ huynh có thể chọn tiêm nhắc cho con bằng vaccine 4 trong 1 phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt.

Đối với trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước khi mang thai hoặc đang mang thai ở tuần thứ 27 đến dưới đến dưới 35 tuần thai có thể nhắc lại vaccine phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, sau đó có thể nhắc mỗi 10 năm/lần để duy trì kháng thể bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn bạch hầu lâu dài.

Việc tiêm nhắc đúng lịch giúp tăng khả năng bảo vệ của lần chủng ngừa trước đó. Người trưởng thành tiếp xúc xã hội nhiều, thường xuyên di chuyển do đó nguy cơ cao mắc bệnh và lây cho các đối tượng khác. Ngoài ra, càng lớn tuổi, hệ miễn dịch càng suy yếu nên cần tiêm nhắc vaccine để tăng khả năng phòng bệnh.

Chuyên gia lưu ý cần tiêm ngừa đủ lịch, đúng liều, kể cả các mũi nhắc để phát huy hiệu quả vaccine. Ngoài ra, người dân cần kết hợp nhiều biện pháp phòng bạch hầu như giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, vệ sinh vùng họng mũi, dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường vận động nâng cao thể trạng.

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở amidan, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt, bộ phận sinh dục. Dấu hiệu là sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Bệnh nhân cần được phát hiện và điều trị sớm bằng huyết thanh kháng bạch hầu. Nếu không được điều trị kịp thời, giả mạc gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong. Tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh là 5-10%.

VN (theo VTC News)
(0) Bình luận
Ai cần tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu?
ss