Hiện có tình trạng một bộ phận người dân ở Hải Dương đang đổ xô đi tiêm vaccine phòng bạch hầu cho bản thân và con em mình nhưng chưa nắm được các quy định.
Trẻ suy giảm miễn dịch bẩm sinh, phản vệ độ III trở lên không được tiêm
Theo thạc sĩ Cao Xuân An, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - ký sinh trùng - côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương), quy định của Chương trình tiêm chủng mở rộng nêu rõ trẻ em từ 2 - 24 tháng tuổi tiêm vaccine phòng bạch hầu bằng 2 loại vaccine.
Cụ thể, trẻ dưới 1 tuổi tiêm vaccine "5 trong 1" (SII); tiêm 3 mũi (mũi 1 lúc 2 tháng tuổi, mũi 2 lúc 3 tháng tuổi và mũi 3 lúc 4 tháng tuổi. Trẻ từ 18-24 tháng tuổi tiêm vaccine "3 trong 1" (DPT), tiêm 1 mũi lúc 18 tháng tuổi. Những trẻ đã tiêm đủ 4 mũi này thì tiêm nhắc lại khi lên 7 tuổi bằng vaccine Tb, sau đó 10 năm sau mới phải tiêm nhắc lại. Vaccie Tb hiện có ở các cơ sở tiêm chủng dịch vụ nhưng dự kiến từ năm 2025 sẽ được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Ngoài 2 vaccine trên, trẻ từ 2-24 tháng tuổi có thể tiêm vaccine "6 trong 1" (chỉ có tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ). Điều dưỡng Trương Bích Ngọc ở Phòng Khám tư vấn và điều trị dự phòng Hải Dương số 1 (137 đường Thanh Niên, TP Hải Dương) cho biết, đối với vaccine này, trẻ cũng được tiêm 4 mũi (mũi 1 lúc 2 tháng tuổi, mũi 2 lúc 3 tháng tuổi, mũi 3 lúc 4 tháng tuổi, mũi 4 tiêm sau khi tiêm mũi 3 từ 1 năm đến trước 2 năm).
Theo hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em ngày 27/3/2023 của Bộ Y tế, trẻ em từ 1 tháng tuổi trở lên có tiền sử suy giảm miễn dịch bẩm sinh, phản vệ độ III trở lên sau tiêm chủng vaccine lần trước (có cùng thành phần)... thì không được tiêm vaccine phòng bạch hầu.
Trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên thuộc diện tạm hoãn tiêm vaccine khi có tiền sử phản ứng phản vệ độ II sau tiêm chủng vaccine lần trước (có cùng thành phần); có tình trạng suy chức năng các cơ quan như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, suy giảm ý thức; mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng, sốt ≥ 38 độ C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5 độ C; suy giảm miễn dịch; mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B); trẻ đang điều trị hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid toàn thân (uống/ tiêm) với liều cao, hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày; có cân nặng dưới 2kg; có tiền sử phản ứng tăng dần sau các lần tiêm chủng trước của cùng loại vaccine (ví dụ lần đầu không sưng tấy, lần sau viêm sưng tấy lan tỏa tại vị trí tiêm...); mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu, ung thư chưa ổn định... Những trường hợp này chỉ được tiêm sau khi sức khoẻ ổn định, có sự tư vấn của nhân viên y tế và theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine.
Người lớn mắc bệnh nền vẫn có thể tiêm
Hiện nay, các loại vaccine, trong đó vacicne chứa thành phần phòng bệnh bạch hầu dành cho người lớn chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Để phòng bệnh, người lớn cần tìm đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để được đáp ứng nhu cầu.
Theo tìm hiểu của phóng viên tại nhiều cơ sở tiêm chủng dịch vụ ở Hải Dương cho thấy có một số loại vaccine phổ biến chứa thành phần phòng bệnh bạch hầu là là Tb, Boostrix, Adacel... Điều dưỡng Trương Bích Ngọc cho biết thêm, người lớn chưa tiêm vaccine phòng bạch hầu thì chỉ cần tiêm 1 mũi thuộc 1 trong những loại vaccine này, 10 năm sau mới phải tiêm nhắc lại.
Bệnh nhân mắc ung thư, người có phản vệ độ III trở lên, đang điều trị bệnh kéo dài, dùng thuốc kháng sinh liên tục... thuộc diện chống chỉ định tiêm. Người sốt trên 38 độ C thuộc diện hoãn tiêm, chỉ tiêm khi sức khoẻ ổn định.
Trường hợp người lớn có các bệnh nền như huyết áp, tiểu đường... có thể vẫn được tiêm nếu đáp ứng các yêu cầu về sức khoẻ và chỉ định của nhà sản xuất vaccine. Tất cả các trường hợp này phải có bác sĩ tư vấn, được đo huyết áp, nhiệt độ trước khi tiêm.
Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng các loại dịch bệnh, trong đó có bạch hầu. Tuy nhiên, mọi người dân cần nghiên cứu kỹ các quy định, hướng dẫn của ngành y tế để bảo đảm an toàn sau tiêm, tạo miễn dịch để bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình, cộng đồng.
TIẾN MẠNH