Chống gian lận trong thương mại điện tử

15/03/2020 08:31

Thỉnh thoảng một số người mua hàng online lên mạng tố chủ shop "treo đầu dê bán thịt chó", bán hàng không giống như hình ảnh quảng cáo, thậm chí bán cả hàng nhái, hàng giả...

Tiền đã trả và hàng đã nhận nên người mua không còn cách nào khác đành phải chấp nhận phần thiệt về mình. Điều đó cho thấy quyền lợi của người tiêu dùng đã và đang bị xâm phạm ngay ở lĩnh vực kinh doanh trực tuyến (hay còn gọi là kinh doanh online).

Vì lẽ đó mà Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay đã chọn chủ đề "Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử" nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả người bán và người mua trong hoạt động thương mại điện tử. 

Kinh doanh online đang được coi là xu hướng tất yếu, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành và ảnh hưởng lớn đến các cửa hàng truyền thống. Không thể phủ nhận những ưu điểm mà kinh doanh trực tuyến mang lại, đó là sự tiện lợi, nhanh chóng và người mua có thể tranh thủ lựa chọn sản phẩm vào bất cứ thời gian nào, hạn chế việc phải đi lại, đến nơi đông người. Người kinh doanh cũng không tốn quá nhiều chi phí thuê mặt bằng, nhân viên từ đó có cơ hội để giảm giá, tặng quà hay chiết khấu cho khách hàng.

Tiện lợi như vậy nhưng không phải cửa hàng online nào cũng coi trọng uy tín và thương hiệu cho chính những sản phẩm mình đang bán ra. 

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), những năm gần đây tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến diễn ra ngày càng thường xuyên hơn. Nhiều vấn đề liên quan đến mua bán trên mạng đã được người tiêu dùng phản ánh như sai sản phẩm, sản phẩm có thông số kỹ thuật khác so với quảng cáo; giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại; sản phẩm không có nhãn mác hoặc nhãn ghi sản xuất tại Trung Quốc trong khi quảng cáo lại là hàng Mỹ, Nhật Bản... 

Để kinh doanh trực tuyến được nhiều người lựa chọn và trở thành kênh mua sắm tin cậy không khó nhưng đòi hỏi sự nỗ lực và đạo đức kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp, người kinh doanh online không chỉ cung cấp sản phẩm chất lượng mà cần phải chú trọng đến các dịch vụ hỗ trợ đi kèm. Đó có thể là xây dựng trang quảng cáo, giới thiệu sản phẩm hoành tráng, thu hút nhưng phải cung cấp những thông tin chuẩn xác cho khách hàng... 

Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử được xây dựng khá chi tiết đáp ứng yêu cầu về quản lý thương mại điện tử. Nhưng thời gian qua việc vận dụng các quy định của Nghị định này để thực thi các biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi người dùng trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến chưa nhiều và chưa hiệu quả. Do đó cần sớm có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, nhất là Bộ Công thương trong việc hiện thực hóa các quy định này để quản lý kinh doanh online hiệu quả hơn.

Ý thức và trách nhiệm của chính người dùng cũng cần được nâng lên. Nếu khi mua phải hàng giả kém chất lượng mà cứ ngại lên tiếng đấu tranh, tố cáo hành vi vi phạm, “ngậm bồ hòn” chấp nhận bỏ qua thì không ít người mua sau sẽ tiếp tục bị lừa.

Vai trò của cơ quan chức năng, nhất là Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cũng cần được nâng cao hơn nữa để người mua không còn "đơn thương độc mã" trong cuộc chiến giành quyền lợi. Có như vậy thị trường thương mại điện tử mới lành mạnh và phát triển đúng nghĩa. 

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống gian lận trong thương mại điện tử