Man United đang ở trong tận cùng tuyệt vọng, thi đấu kém cỏi trên toàn bộ mặt trận. Giới chuyên môn đã chỉ ra 6 lý do đã khiến M.U lao đao.
Nguyên nhân đầu tiên khiến sức mạnh của Man United bị bào mòn đó chính là chính sách chuyển nhượng sai lầm. Hàng đống tiền đã được chi, nhưng Man United không thể cân bằng được lực lượng, lại tự bẻ gươm đập kiếm của mình khi bước vào mùa giải mới, đặc biệt ở mùa này.
Romelu Lukaku đã ghi 42 bàn sau 2 mùa giải cùng Man United. Có thể hiểu tại sao HLV Ole Gunnar Solskjaer bán anh ta cho Inter Milan bởi vì ông muốn chơi một cách khác. Nhưng không hiểu tại sao CLB sau đó lại cho phép Alexis Sanchez rời đi mà không mua bất cứ ai để thay thế.
Bây giờ, Marcus Rashford và Anthony Martial bị chấn thương, buộc Solskjaer phải dùng đến một Mason Greenwood mới 17 tuổi để ghi bàn. Greenwood có tố chất và tiềm năng, nhưng cậu bé này không thể là chỗ dựa cho hàng công của một CLB tầm cỡ như Man United vì còn quá trẻ và chưa có chút kinh nghiệm nào.
Lý do tống cổ Sanchez nhằm để giảm nhẹ quỹ lương cũng không thuyết phục bởi Man United thiếu gì tiền. Bạn có thể tống cổ một kẻ ăn bám hạng nặng nếu có sẵn người thay thế, nhưng ở đây Solskjaer hoàn toàn không có ai nhưng vẫn quyết định đối xử tệ với ngôi sao người Chile.
Rashford không thể đá trận Arsenal khiến Solskjaer bị khủng hoảng bài toán nhân sự
Khi đương đầu Arsenal, Greenwood sẽ có thể phát huy khả năng nếu được Sanchez hỗ trợ. Trớ trêu thay, đêm qua, Sanchez đã nổ súng cho Inter Milan tại Serie A. Đó là lý do giải thích tại sao Man United đã chơi 8 trận mùa này và chỉ 1 trận ghi nhiều hơn 1 bàn thắng. Nhìn chung, khâu chuyển nhượng của M.U kể từ năm 2013 đến nay cực kém cỏi và hoàn toàn không có chiến lược. Đừng nghĩ rằng do M.U thiếu một GĐTT chuyên lo chuyển nhượng.
Vấn đề thứ hai chính là thứ đang gây bất ổn ở Man United: Paul Pogba. Đây là cầu thủ hay nhất của Man United nên dễ hiểu tại sao Solskjaer kiên quyết chặn bất kỳ cơ hội giúp Pogba đến Real Madrid.
Pogba rất linh hoạt nhưng việc mỗi trận lại bắt đá một vị trí khác nhau, trong các đội hình khác nhau, chẳng đem lại điều gì hay ho cả. Pogba có những đường chuyền gắn mắt thần, sút bằng cả hai chân và có thể làm những điều phi thường.
Anh ta hữu dụng nhất khi đá ở vị trí cao nhất của hàng tiền vệ trong sơ đồ 4-3-3 với Scott McTominay và Fred (hoặc Nemanja Matic) chơi phía sau. Như thế Pogba được tự do sáng tạo mà không phải chịu quá nhiều trách nhiệm phòng ngự. Nếu M.U dùng 2 tiền vệ trụ và để Pogba kết nối với Rashford, Martial và James ở trên thì sẽ là khối tấn công đáng sợ.
Việc cầu thủ trẻ 17 tuổi Greenwood được dùng là trụ cột đã lột tả chính sách chuyển nhượng sai lầm của M.U
Nhưng Pogba lại chơi như một trong hai tiền vệ lùi sâu, vai trò đòi hỏi M.U phải kiểm soát bóng vượt trội. Do điều này không xảy ra nên vai trò của Pogba bị phế. Nếu Pogba đá ở Man City, anh ta sẽ xuất sắc hơn cả Yaya Toure ở vị trí đó.
Vậy điều cần thiết bây giờ là giao cho Pogab một vai trò thích hợp, không bị bối rối về chức năng và nhiệm vụ. Sự ức chế khiến Pogba không thể phát huy năng lực và sức mạnh của mình, thậm chí phá huỷ cả tinh thần, thái độ thi đấu của anh ta.
Lý do thứ ba chính là áp lực sợ thua. Hãy nhớ lại, cuối kỷ nguyên của Jose Mourinho, các cầu thủ Man United thi đấu giống như người máy, họ miệt mài với trái bóng hơn là thể hiện bản thân. Điều đó khiến họ dễ bị đối phương đọc vị. Trong trận đấu với West Ham ở vòng 6, những cầu thủ của Solskjaer lại thể hiện đúng dấu hiệu của căn bệnh cũ.
Kể từ khi được ký hợp đồng chính thức, sự tự do, phóng khoáng của một kẻ làm việc tạm thời đã biến mất, cùng lối chơi bay bổng, ngẫu hứng. Solskjaer trở nên căng thẳng với những kế hoạch chiến thuật của riêng mình, và khiến các cầu thủ mất tự do, bị tự kỷ ám thị về thất bại.
Pogba là niềm hy vọng nhưng cũng là tử huyệt của hệ thống
Thông thường, ở các đội bóng có thủ lĩnh, thì toàn đội sẽ trông vào đó để vượt qua áp lực, nhưng nhân vật này đã tuyệt chủng tại M.U, bởi ngay cả những người sao nhất cũng có vấn đề của riêng mình. Jesse Lingard hoang mang, Juan Mata mất phong độ, Matic ngày một cùn mòn. Thật trớ trêu, cầu thủ tự tin và vô tư nhất khi thi đấu lại là tân binh Dan James.
Thứ tư là vấn đề HLV. Rõ ràng, sau khi Sir Alex từ nhiệm, những người thay thế đều là HLV có đẳng cấp và trình độ nhưng đều có kết quả chung là bị sa thải. Có lẽ họ xuất hiện ở Old Trafford không đúng thời điểm. Đáng lẽ ra, ngay thời điểm đầu tiên, M.U cần dùng Mourinho thay vì David Moyes bởi Người Đặc Biệt có nhiều kinh nghiệm quản lý một CLB quy mô toàn cầu hơn. Nhưng phép thử đầu tiên đã sai, gây hệ luỵ cho cả bài toán, đến tận bây giờ.
Nhiều người đánh giá đội hình của Man United lâu nay là một mớ hỗn độn của các cầu thủ được mua bởi các HLV khác nhau. Tuy nhiên, mớ hỗn độn đó thiếu vắng một vị trí quan trọng: một bậc thày ở tuyến giữa kiểu Michael Carrick. Đó chính là lý do thứ 5.
Trước đây, vị trí này đều có chủ nhân từ Paul Ince, Paul Scholes, Roy Keane và Carrick. Những cầu thủ này bình tĩnh dưới áp lực nhưng đủ giỏi vào bóng để thiết lập các cuộc tấn công với đường chuyền mạo hiểm, đầy đột biến.
Áp lực của Solskajer ngày càng khiến M.U bị đè nén
Matic chơi vững chãi, Scott McTominay cũng, nhưng họ không phải là Carrick. Pogba cố gắng thực hiện công việc nhưng anh ta không có nhận thức phòng thủ của Carrick có. Đáng lẽ ra, Man United phải cố mà mua bằng được Fernandinho, nhưng không, họ đã để Man City cướp mất.
Lý do cuối cùng dính dáng đến những cầu thủ trẻ. Man United đang xây dựng một đội bóng năng nổ và có những cầu thủ trẻ đủ giỏi. Nhưng một đội bóng hàng đầu thực sự cần sự cân bằng trong đội hình, với các cầu thủ trẻ được dìu dắt bởi lớp đàn anh giàu kinh nghiệm.
Hãy tưởng tượng nếu Rashford là trung phong của United với Wayne Rooney và Cristiano Ronaldo ở hai bên. Anh ấy sẽ có nhiều hơn 3 bàn như ở mùa này. Greenwood sẽ được hưởng lợi về việc thu thập kinh nghiệm nếu được đá cùng các bậc đàn anh trong trận gặp Arsenal đêm mai. Nhưng tiếc thay, điều đó là bất khả thi.
Scott McTominay cũng thế. Anh ấy có lẽ không nên chơi mỗi tuần ở hàng tiền vệ của United ở tuổi 22 như hiện nay. Anh cần được rèn giũa chán chê cùng Beckham, Scholes và Giggs trước khi đóng vai chính. Đó chính là khủng hoảng thế hệ mà Man United phải đối mặt.
Theo Bongdaplus