Nhìn từ sớm xuân này

16/02/2018 01:00

Ai đó nghĩ rằng mùa xuân muôn đời đã cũ đi, đã lặp lại đó chăng? Bởi, cứ theo vòng quay, qua mười hai tháng, qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, xuân lại về...



Trong bài thơ viết về mùa xuân, khi đứng trước đất trời, cảm nhận cái giây phút diệu huyền, ngơ ngác của thiên nhiên cảnh vật, tự thẳm sâu trong tôi bỗng ngân lên thi hứng: “Nửa còn đâu đó chút đông/Trong mong manh gió, trong không rõ ràng/Nửa mùa xuân đã ngập tràn/Trước hiên hoa đỏ đơm ngàn cành non/Bóng đông chìm cuối đường mòn/Thì đây trước mặt xuân còn đợi ta..."

Vâng. Diệu kỳ là thế. Vẫn trời đất ấy. Vẫn trong dòng trôi của thời gian, của không gian vô cùng, vô tận là vậy. Nhưng bước vào sớm xuân này, vũ trụ như mạch cưa, như thớ gỗ mở ra hai mặt của sự tách rời, với sự dính líu trong cái “nó là nó” và “nó” đã khác xa “cái nó” của ngày hôm qua.

Ồ. Đó là điều hiển nhiên của “càn khôn,” của ba cõi “Thiên - Địa - Nhân” trong vô thường, vô định. Trong quy luật vận động mà Marx đã chỉ ra rằng: “Vạn vật quanh ta vận động đến không cùng, đứng im chỉ là tương đối”.

Vậy mà, trong giao hòa, chuyển tiếp, trong cái cũ mất đi và cái mới đang len lỏi hiện về, ranh giới của giao điểm đôi mùa, dường như, cái bóng hình mùa đông vẫn còn vương đâu đó, chút lạnh, chút nắng, chút lãng đãng màu mây. Len vào đó, ngỡ như gần mà xa, là bất chợt những hạt mưa, những hàng cây thay lá, những sắc hoa đã khoe sắc xuân về. Có lẽ, cái khép lại và cái đang mở ra trong kết cục của một năm là những gì cho dự cảm ngày mai lại bắt đầu đi từ bến bờ này tới bến bờ xa mong đợi khác...  

Có cái gì thật rạo rực, tươi non mà ngơ ngác trong ta, trong cái mong manh, ngỡ như chưa rõ rệt. Mùa xuân giống như cây cột mốc bên đường. Người đi bồi hồi nhìn về quá khứ, nhìn về cái chân trời rộng dài của ngày mai hướng tới. Thật vui mừng và tự tin khi ngoái trông, ta biết được, từ “cột mốc” ngỡ như vô hình ấy, người ra đi biết được, mình đã đi đến đâu? Phía trước mình là gì trong khát khao vươn tới...

Ai đó nghĩ rằng mùa xuân muôn đời đã cũ đi, đã lặp lại đó chăng? Bởi, cứ theo vòng quay, qua mười hai tháng, qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, xuân lại về trong diện mạo “cái ngoài ta”, cái “nhỡn tiền” ta đang ngắm nhìn là thế?

Đi đến với mùa xuân của thiên nhiên vũ trụ, con người. Quả thật, “Nghìn năm xuân vẫn không già!”. Từ bến xuân đi về bến xuân, bao nhiêu niên đại cứ dầy thêm mỗi bước. Cái giống nhau ngỡ như lặp trùng là “xuân qua, hạ đến, thu về...”. Vẫn những cơn mưa phùn. Vẫn những cữ nắng ngày hè như lửa đổ. Vẫn tiết thu mà ai đó gọi là “mùa của thi sĩ” với bao nhiêu ngác ngơ trong nghĩ suy, trong tâm trạng, cảm hoài. Nhưng, cái khác đi ở mỗi nhịp xuân trôi. Ở mỗi gương mặt mùa xuân trước mắt ta hiện diện. Đó là, mùa xuân từ thuở ông cha ta “Mang gươm đi dựng nước...”. Thuở Nguyễn Huệ -  Quang Trung cùng nghĩa quân vừa gấp rút khởi binh, vừa cùng nhau võng cáng nhau trên vai, ăn Tết dọc đường, tiến về Thăng Long “đại phá quân Thanh”... Đến những mùa xuân điệp trùng màu áo lính vượt dải Trường Sơn, làm nên mùa xuân Mậu Thân 1968 rung trời lở đất. Rồi mùa xuân năm 1975, với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Bắc Nam, đem về núi sông yên bình một dải...

Mùa xuân với Tổ quốc quê hương, trong đánh giặc giữ nước là vậy. Còn bao nhiêu gương mặt, dáng hình khác của mùa xuân trong dựng xây, trong nhà máy, công trường, trên cánh đồng, phố phường, biển khơi, hải đảo... Trong mùa xuân rộng lớn, có muôn vạn mùa xuân của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, xứ sở... Mỗi lát cắt, mỗi góc ta nhìn ấy, đều có bước đi riêng, đều có một chân dung mùa xuân, một dáng vẻ xuân về.

Từ góc nhìn cụ thể, mùa xuân với mỗi chúng ta, nó cũng giống như mỗi hạt gieo, mỗi sắc màu, mỗi hương vị riêng trong vườn xuân rộng lớn. Ví như bạn ta, sớm xuân này cùng đồng đội lên đường làm người lính mới. Một đội ngũ “người lính Cụ Hồ” chắc tay súng canh gác ngày đêm giữ vững chủ quyền biển đảo, vì sự trường tồn của non sông gấm vóc.

Rồi, từ xóm nhỏ nối ra cánh đồng rộng lớn, sớm xuân này, dáng mẹ ta tảo tần, cấy trồng, hái gặt. Rồi, dáng cha ta bám biển, ra khơi. Rồi, ai đó, đang lặng thầm chui vào hầm lò khai thác tài nguyên, khoáng sản. Ai hăm hở bước vào nhà máy, công  trường... Mùa xuân đang bừng lên trên mỗi nét nhìn, mỗi khóe môi cười, và lung linh trong nỗi khát khao, mơ ước nơi thẳm sâu con tim mỗi người đang đồng hành đi về phía mùa xuân.

Rõ ràng, đến với mùa xuân có muôn triệu mùa xuân khác nhau, với muôn triệu lối đi riêng trên trái đất. Lớn như khoảng trời mùa xuân này vừa mọc lên khu công nghiệp chọc trời. Mặt đất ven biển kia vừa dựng lên khu đô thị mới. Rồi con sông mênh mông vừa nối liền nhịp cầu. Đảo xa heo hút kia, sớm này vừa bừng lên nguồn điện thắp sáng.

Nhỏ hơn trong cái cụ thể hơn, cá thể hơn, khi tuổi ta vừa thêm một xuân về. Em bé trong bào thai mẹ, từ cái “không” đã trở về “cái có”. Rồi, một hạt mầm non, tay ai vừa gieo xuống vườn ươm. Một nụ non đầu cành sớm nay vừa nhú lên quả biếc...

Quả tình, đến với sớm xuân này, có bao nhiêu nhịp bước, bao nhiêu lối mở, nguồn khơi? Bao nhiêu mùa xuân trong mùa xuân chuyển vần sinh nở?

Dưới bóng lớn của mùa xuân trùm tỏa, mỗi chúng ta đều có chung thời khắc của “Đất nước - Xuân về”. Có chung khát khao cháy bỏng niềm hạnh phúc của mỗi con người, mỗi quốc gia, dân tộc. Đấy là sự phồn vinh, tiến bộ. Đấy là niềm yêu thương, nhân ái trước cõi lớn: “Nhân sinh!”.

Tôi bước đi giữa sớm xuân này, nghe trống hội khắp thôn làng đang nao nức gọi xuân. Mắt ngắm nhìn các nẻo đường liên thôn, liên xã, hay khắp nẻo phố phường, những lá cờ hội đủ màu đang tung bay. Những già trẻ, gái trai, nam thanh nữ tú trong áo quần đủ màu sặc sỡ, từ các vùng tứ xứ, nô nức khoác lên gương mặt mình nụ cười xuân rạng rỡ, vui tươi. Có rất nhiều “điểm hẹn mùa xuân”.  Khi làng này, khu phố nọ, chỗ nào cũng tưng bừng mở hội. Chỗ nào cũng được bài trí đẹp đẽ. Sân cờ tướng, bãi dựng cây đu, bãi kéo co, chọi gà, sới vật... người đứng chen chúc, ồn ào. Các quầy hàng trưng lên la liệt, báo hiệu một mùa xuân của thời mở cửa, thời xã hội đang giàu có, văn minh.

Một ý nghĩ chợt nhói lên trong “cái ngoảnh nhìn” khi sớm xuân này, xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp, thậm chí là nguy cơ trong đối mặt, thách thức ở phía trước đường lên. Khi nạn tham nhũng, nạn phá rừng, nạn ô nhiễm môi trường, nạn lừa đảo, cướp giật, nạn thất nghiệp, nạn bạo lực học đường, bạo hành trẻ em... còn tồn tại. Rồi sự bất công, sự sa sút niềm tin vào đạo đức, con người, xã hội...

Nhưng, đi giữa sớm xuân thời @ với cái nhìn thật sâu xa, toàn diện trước bao nhiêu vận động, đổi khác. Bao nhiêu cái mới, những nhìn mà chóng mặt. Trong một tầng lắng sâu, “người ngắm trông” vẫn gặp nét đẹp truyền thống của ngàn năm quê kiểng. Trên ban thờ của mỗi gia đình ngày Tết, bên “mâm ngũ quả” là cành đào khoe sắc. Là tấm bánh chưng xanh. Là những nén trầm hương ngát thơm vào cõi sâu tâm tưởng. Là lòng người hướng về cố hương, nhớ về cố nhân. Là những mái đầu thành kính, tri ân trước khói nhang, trước ông bà, mẹ cha, tổ tiên, nguồn cội...

Nét đẹp của xuân về, không chỉ ở màu áo mới, ở gương mặt rạng rỡ nụ cười, ở cái nhìn dịu hiền, ấm áp. Ở câu nói ngọt lành, nồng đượm, dễ rung cảm, xao lòng, mà cái thực tại của mùa xuân ở nền tảng, nội lực với đường hướng đi lên, với sức băng vượt của Non sông - Đất nước, với mỗi cái riêng được đốt lên từ triệu triệu con người!

Vâng. Nhìn từ sớm xuân này, chúng ta vững tin vào mùa xuân phía trước.

KIM CHUÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhìn từ sớm xuân này