Giảm mức hỗ trợ người dân có lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi

08/05/2019 07:00

UBND tỉnh đã có quyết định giảm mức hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại khi có lợn phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) từ ngày 7.5.


13 con lợn với tổng trọng lượng 1.224 kg của nhà ông Vũ Quý Trà ở thôn Văn Am, xã Yết Kiêu (Gia Lộc) bị tiêu hủy

Cụ thể, đối với lợn con, lợn thịt và các loại khác được hỗ trợ với mức 29.000 đồng/kg lợn hơi, giảm 3.000 đồng/kg; lợn nái, lợn đực giống đang khai thác được hỗ trợ với mức 45.000 đồng/kg, giảm 7.000 đồng/kg so với mức hỗ trợ trước đó. 

Số lượng lợn phải tiêu hủy trước thời điểm này vẫn áp dụng mức hỗ trợ theo Quyết định số 963/QĐ-UBND ngày 21.3.2019 của UBND tỉnh.
Sáng 7.5, huyện Gia Lộc tiếp tục tiêu hủy 107 con lợn nhiễm DTLCP với tổng trọng lượng 6,3 tấn tại nhà các ông Vũ Quý Trà, Vũ Văn Năm, Trần Đình Nuôi ở xã Yết Kiêu; nhà bà Nguyễn Thị Dịu và ông Trần Trọng Son ở xã Trùng Khánh; nhà các ông Phạm Khắc Tớn, Phạm Văn Mùi, Nguyễn Văn Kháng ở xã Lê Lợi. 

Tính đến 16 giờ ngày 7.5, lợn nhiễm dịch đã xuất hiện ở tất cả 23 xã, thị trấn của huyện Gia Lộc. 10.443 con lợn với tổng khối lượng hơn 670 tấn đã bị tiêu hủy. Hiện chưa hộ dân nào ở Gia Lộc được hỗ trợ kinh phí.


Lực lượng chức năng huyện Kim Thành tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi

Ngày 7.5, huyện Kim Thành thành lập 3 đoàn công tác kiểm tra các hố tiêu hủy lợn mắc bệnh DTLCP tại một số thôn, khu dân cư trên địa bàn. Qua kiểm tra, các đoàn phát hiện một số hố chôn chưa bảo đảm quy trình, chưa đúng quy định về địa điểm, khoảng cách; một số hố chôn để nước rò rỉ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh... Huyện Kim Thành yêu cầu các cơ sở nghiêm túc thực hiện các quy định trong tiêu hủy, khắc phục triệt để tình trạng hố chôn chưa bảo đảm quy trình, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đào hố tiêu hủy gần khu dân cư, trong nghĩa trang nhân dân...

Tính đến hết ngày 6.5, gần 900 hộ chăn nuôi ở 96 thôn, khu dân cư của huyện Cẩm Giàng có lợn phải tiêu hủy do nhiễm bệnh DTLCP. Tổng số lợn đã tiêu hủy là 12.698 con, chiếm trên 40% tổng đàn lợn, tổng trọng lượng trên 907 tấn. Trong đó có gần 2.000 con lợn nái, chiếm gần 48% tổng đàn lợn nái. 

Xã Cẩm Hoàng thiệt hại nặng nhất với gần 2.200 con lợn phải tiêu hủy, tổng trọng lượng trên 140,5 tấn.

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Miện, đến ngày 7.5, tất cả 19 xã, thị trấn của huyện Thanh Miện đều đã xuất hiện bệnh DTLCP.

Xã cuối cùng trong huyện phát hiện ổ dịch là Thanh Tùng. Toàn huyện có gần 80 thôn có lợn bị nhiễm bệnh DTLCP. Lực lượng chức năng huyện đã tiêu hủy trên 7.000 con lợn với tổng trọng lượng 430 tấn. Trong đó có gần 4.000 con lợn thịt, 1.519 con lợn nái, 17 con lợn đực, còn lại là lợn con. Một số xã có nhiều lợn bị nhiễm dịch như Đoàn Kết, Chi Lăng Bắc, Ngô Quyền, Thanh Giang, Tân Trào. UBND huyện Thanh Miện đã bổ sung thêm 3 đoàn dập dịch. 

 PV - PHAN TUÂN

(0) Bình luận
Giảm mức hỗ trợ người dân có lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi