UBND tỉnh Hải Dương vừa yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ, chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Huy động nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch nếu có, không để phát sinh ổ dịch mới; tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết, chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; phối hợp các địa phương xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết; hướng dẫn các địa phương chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi; tiếp tục rà soát, hướng dẫn, tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn.
Yêu cầu Công an tỉnh, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh, các đơn vị liên quan phối hợp lực lượng thú y, thanh tra giao thông xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch…
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), một số địa phương đang có hiện tượng giấu dịch, chậm báo cáo dịch, bán chạy, giết mổ lợn bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác lợn chết. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 576 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 530 xã của 44 tỉnh, thành phố; số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy 24.218 con. Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đang có tại 28 tỉnh, thành phố. Dịch bệnh xảy ra nặng nhất tại các tỉnh Lạng Sơn (đặc biệt tại huyện Lộc Bình), Cao Bằng (Trùng Khánh), Đắk Lắk, Quảng Bình, Sơn La, Bình Phước.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến đầu tháng 11/2023, tổng đàn lợn trên địa bàn Hải Dương ước đạt 440.000 con. Tỷ trọng chăn nuôi lợn theo hình thức công nghiệp, trang trại chiếm khoảng 45%. Toàn tỉnh đã thực hiện tiêm gần 9,4 triệu liều vaccine các loại, cơ bản đạt kế hoạch năm 2023, trong đó có 270.450 liều vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi.