Để không lặp lại bi kịch dịch tả lợn châu Phi

30/08/2022 08:20

Để không lặp lại bi kịch dịch tả lợn châu Phi, chủ các trang trại, người chăn nuôi cần hoàn thiện hơn nữa quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, tuyệt đối không lơ là khâu phòng chống dịch bệnh.


Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi đã làm gần 330.000 con lợn phải tiêu hủy, thiệt hại gần 900 tỷ đồng (ảnh tư liệu)

Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 6 tháng đầu năm 2022, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra ở 48 tỉnh, thành phố trong cả nước, buộc tiêu hủy trên 42.000 con lợn, chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trên địa bàn Hải Dương, mới đây nhất cơ quan chức năng đã phát hiện các mẫu thịt bán tại một số chợ có virus DTLCP. Điều này chứng tỏ, virus gây bệnh vẫn đang lưu hành trong môi trường và có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Còn nhớ, 2019 là một năm đầy sóng gió với ngành chăn nuôi trong cả nước khi DTLCP hoành hành dữ dội. Cùng chung "cơn bão” ấy, DTLCP đã càn quét hầu hết các trang trại trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Dịch bệnh khiến gần 330.000 con lợn phải tiêu hủy, thiệt hại gần 900 tỷ đồng. Chưa kịp khôi phục tổng đàn sau dịch, ngành chăn nuôi tiếp tục phải đối phó với những biến động về giá cả thị trường, nhất là giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt. 

Từ khi phát hiện, trên thế giới vẫn chưa có vaccine và thuốc đặc trị DTLCP. Đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất được vaccine phòng DTLCP. Vaccine thương mại NAVET-ASFVAC của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương (Navetco) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép lưu hành. Trước đó, vaccine này đã trải qua 5 lần thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, kết quả 100% số lợn tiêm vaccine được bảo vệ. Khi đưa vào khảo nghiệm tại các trang trại chăn nuôi trong điều kiện bình thường, vaccine đã bảo vệ được hơn 80% số lợn được tiêm, thời gian miễn dịch của vaccine kéo dài 6 tháng sau tiêm phòng. Thành tựu này đối với người dân chăn nuôi lợn trên cả nước có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Theo kế hoạch, việc tiêm thử nghiệm vaccine phòng DTLCP sẽ thực hiện từ tháng 7, đến cuối năm sẽ đánh giá về việc sử dụng và xem xét sử dụng vaccine trên diện rộng. Hải Dương dự kiến cũng triển khai tiêm thử nghiệm vaccine phòng DTLCP vào tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, đến nay việc tiêm vaccine vẫn chưa được triển khai do tâm lý lo ngại, e sợ của người chăn nuôi. Vaccine cùng với các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học là “chìa khóa” duy nhất để phòng chống dịch bệnh. Việc chần chừ, không tiêm phòng sẽ tạo điều kiện cho virus DTLCP xâm nhập vào các trang trại, bùng phát thành dịch, gây thiệt hại cho người nuôi lợn.

Để không lặp lại bi kịch DTLCP, chủ các trang trại, người chăn nuôi cần hoàn thiện hơn nữa quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, tuyệt đối không lơ là khâu phòng chống dịch bệnh. Vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi thường xuyên bằng các loại thuốc như iodine, vôi bột… Các phương tiện vận chuyển trước khi ra, vào khu chăn nuôi cần được phun thuốc sát trùng cẩn thận. Giám sát chặt chẽ đàn lợn, khi phát hiện có hiện tượng lợn ốm, chết bất thường cần báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động gia đình và những người xung quanh nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn mắc bệnh; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để cho lợn ăn). Vaccine thử nghiệm cũng cần sớm được triển khai quy mô phù hợp để đánh giá mức độ an toàn khi sử dụng trên diện rộng. 

NGUYÊN KHANG 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để không lặp lại bi kịch dịch tả lợn châu Phi