Tham nhũng tâm linh

28/02/2018 09:05

Sau Tết Nguyên đán là những ngày khắp nơi rộn ràng lễ hội, các khóa lễ “dâng sao giải hạn” nở rộ ở các đền, chùa.

Việc cúng lễ trong nhiều trường hợp tốn kém đến mức rất lãng phí. Một trong số đó phải kể đến tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự.

Mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề nghị các phật tử bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo vì trái với giáo lý đạo Phật, gây lãng phí, không văn minh. Ngoài lãng phí của cải vật chất, tục đốt vàng mã ở những cơ sở thờ tự để cầu xin lợi lộc cho bản thân còn là biểu hiện của một loại hình tham nhũng mới đang ngày càng nở rộ. Đó chính là tham nhũng tâm linh. 

Nếu như tham nhũng thế tục là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi thì tham nhũng tâm linh là lợi dụng những yếu tố tâm linh để phục vụ mục đích riêng của mình. Mục đích đó thường là cầu mong thần linh, thế lực siêu nhiên “phù hộ độ trì” để thăng quan tiến chức, kiếm nhiều tiền bất chấp thủ đoạn, thậm chí cầu mong cho những người mình không ưa bị “trời tru đất diệt”. Trong các cuộc “mặc cả” với thần thánh đó, vàng mã, đồ cúng lễ chính là những thứ được con người mang đi hối lộ thần linh. 

Tham nhũng thế tục chỉ xảy ra với những người có chức, có quyền, còn tham nhũng tâm linh có thể xảy ra với bất cứ ai. Thế mới có chuyện kẻ buôn gian bán lận đầu xuân đi cầu xin làm ăn trót lọt, kẻ mong triệt hạ “đối thủ” trên thương trường, quan trường… với lời hứa hẹn nếu được như ý thì cuối năm lễ tạ “bằng năm bằng mười”. Có thể nói đây là loại tham nhũng vô cùng phức tạp bởi nó động chạm tới yếu tố tinh thần, niềm tin, sự tự trọng của mỗi con người. Nó dễ thực hiện nên dễ dàng lây lan trong xã hội. Trong khi đó, việc loại trừ lại rất khó khăn vì nó tồn tại trong tư duy của mỗi cá nhân, khó lòng kiểm soát được. 

Tham nhũng tâm linh không chỉ gây lãng phí về vật chất mà còn làm suy giảm niềm tin của con người vào lẽ công bằng trong thế tục. Nhiều khi niềm tin mù quáng vào việc cầu cúng có thể triệt tiêu sự phấn đấu thực sự bằng năng lực, có thể khiến con người bất chấp thủ đoạn làm những việc trái lương tâm, trái pháp luật vì nghĩ rằng mình đã được các đấng siêu nhiên “che chở”. Nếu ăn sâu vào đời sống, loại tham nhũng này có thể trở thành phong trào, làm biến đổi giá trị truyền thống, tạo ra thứ đời sống tinh thần sặc mùi vụ lợi, làm vấy bẩn vẻ đẹp của các lễ hội, các chốn linh thiêng. 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lên tiếng ủng hộ chủ trương không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, đồng thời cho rằng cần vận động dần dần để người dân giảm bớt tục này. Những sự tuyên truyền, vận động đó là cần thiết nhưng sẽ chỉ có tác dụng về thực chất nếu như song song với đó là việc xây dựng niềm tin cho con người vào lẽ công bằng và phát huy năng lực thực sự trong cuộc sống. Chỉ khi vấn nạn tham nhũng ở nhiều mức độ khác nhau trong thế tục bị triệt tiêu thì mới hạn chế được tham nhũng tâm linh. Vì vậy, xây dựng đời sống tinh thần tâm linh trong sáng, hướng thiện có phần lớn trách nhiệm của việc thực thi công lý, pháp luật một cách công bằng, không vụ lợi trong đời sống thực.

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tham nhũng tâm linh