Chỉ đạo chặt chẽ từ đầu vụ lúa chiêm xuân

02/03/2018 10:48

Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang chạy nước rút, khẩn trương hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa chiêm xuân.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hải Dương là tỉnh có tiến độ gieo cấy nhanh nhất và khung thời vụ được bố trí hợp lý nhất so với các tỉnh, thành phố phía Bắc. Đây là tín hiệu khả quan để người dân hy vọng về một mùa vàng bội thu. Để hy vọng đó trở thành hiện thực, các địa phương phải chủ động kiểm soát chặt chẽ các khâu sản xuất.

Vụ lúa mùa năm 2017 là bài học sâu sắc để các địa phương và cơ quan chuyên môn nhìn nhận lại việc quản lý và chỉ đạo sản xuất. Trong vụ lúa đó, UBND tỉnh phải công bố dịch vàng lá di động, lùn sọc đen khi hơn 1.300 ha lúa mùa nhiễm bệnh. Nhiều diện tích lúa tại các huyện Thanh Hà, Kinh Môn và thị xã Chí Linh bị thiệt hại hoàn toàn. Điều kiện thời tiết bất thuận là nguyên nhân được nhắc tới nhiều nhất. Song nếu so sánh, đánh giá tổng quan thì khâu chỉ đạo sản xuất mới là yếu tố quan trọng. Thực tế vụ lúa mùa vừa qua cho thấy giống TBR225 mẫn cảm với bệnh vàng lá di động, lùn sọc đen nên bị thiệt hại lớn nhưng ở huyện Cẩm Giàng, giống lúa này lại được mùa. Nguyên nhân giúp trà lúa mùa của Cẩm Giàng miễn dịch với loại bệnh không có thuốc đặc trị hoành hành tại các địa phương khác là do cán bộ chuyên môn sâu sát cơ sở, hướng dẫn nông dân phòng trừ dịch bệnh kịp thời. Nhìn lại xa hơn, đã từng có những vụ lúa, nông dân lao đao khi cấy giống ngoài cơ cấu, chất lượng giống không bảo đảm khiến sâu bệnh gây hại nhiều. Lịch thời vụ không được tuân thủ chặt chẽ, lúa trỗ bông không đúng thời điểm nên năng suất giảm. 

Rút kinh nghiệm từ những vụ lúa thất bại, ngay từ đầu vụ chiêm xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố quyết liệt chỉ đạo theo đúng kế hoạch. Những yếu tố quyết định đến năng suất, chất lượng lúa như cơ cấu giống, lịch thời vụ, phương thức gieo cấy... phải được lựa chọn phù hợp với đặc thù từng địa phương trên cơ sở kế hoạch chung của tỉnh. Các cơ quan chuyên môn cũng tích cực vào cuộc, nắm bắt thực tế, từ đó đưa ra những điều chỉnh, khuyến cáo hợp lý, bảo đảm sản xuất diễn ra an toàn, thuận lợi. Để chủ động phòng ngừa sâu bệnh, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức đốt đèn, phát hiện rầy tại các trà mạ trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy đã nhanh chóng phát hiện rầy lưng trắng mang virus gây bệnh lùn sọc đen tại xã Cổ Dũng (Kim Thành) để kịp thời ngăn chặn. Trung tâm Khuyến nông tỉnh tích cực hướng dẫn nông dân kỹ thuật gieo cấy và chăm sóc lúa trong từng giai đoạn, từng điều kiện thời tiết... Tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan đều đang dồn sức cho vụ lúa chiêm xuân với niềm tin về một vụ lúa bội thu.

Gieo cấy lúa phụ thuộc nhiều vào thời tiết nhưng không thể phó mặc cho thời tiết. Trong vụ chiêm xuân, thời tiết thường diễn biến phức tạp, khó lường, gây khó khăn cho sản xuất. Vụ chiêm xuân năm nay cũng là một ví dụ cho những bất lợi của thời tiết tới gieo cấy. Rét đậm, rét hại kéo dài đã làm gián đoạn lịch gieo cấy. Thời vụ càng cập rập hơn khi lịch gieo cấy trùng với lịch nghỉ Tết Nguyên đán. Đến thời điểm hiện tại, việc gieo cấy đang diễn ra suôn sẻ, chưa xảy ra vấn đề đáng lo ngại. Nhưng chúng ta vẫn không thể chủ quan mà cần tiếp tục phối hợp nhịp nhàng trong các khâu sản xuất, chủ động ứng phó với mọi tình huống để kế hoạch gieo cấy 59.000 ha bảo đảm đúng tiến độ và đạt năng suất cao.

NGUYỄN DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ đạo chặt chẽ từ đầu vụ lúa chiêm xuân