Âm điệu mùa thu

24/09/2017 07:43

<b>Mỗi người có một mùa để mà rưng rưng hoài niệm. Riêng cha tôi, suốt mấy chục năm qua vẫn giữ thói quen ngồi bên hiên nhà để thưởng thức mùa thu theo cách riêng của ông. Hiên nhà, cây khế, những chậu hoa và cả cách tận hưởng cuộc sống giản dị mà thi vị.</b><br>

Mỗi cuối tuần ông thường nhập tâm ở đó, bàn ghế mộc mạc cùng ly cà phê, chiếc ghi ta hoặc cây vĩ cầm. Đàn ngân lên muôn điệu. Những giọt cà phê mùa thu đượm một màu thư thái. Ông chơi những bản nhạc không chỉ thế hệ cha yêu thích, mà cả thế hệ tôi cũng mê mẩn. Ai đó nói người hoài niệm trong mùa thu, lấy mùa thu để tãi cõi lòng lên mênh mông những phím nhạc là người cổ điển. Cha tôi hoài niệm về một thời quá vãng cùng đồng đội nơi chiến trường, về thời đùm bọc nhau vượt qua khó khăn của cuộc sống hiện đại với dòng chảy sôi động nhưng đượm buồn. Cha vẫn có những người bạn già về hưu để tâm sự, trò chuyện, lúc thưởng đàn, lúc đánh cờ hay lắng nghe tiếng chim hót từ cây khế lâu năm đã vươn cao đến tầng ba của ngôi nhà. Trong số những người bạn, cha thân với bác Miên nhất. Không chỉ bởi bác chiến đấu cùng đơn vị và bị thương cùng một ngày với cha, mà trở về thời bình, run rủi thế nào bác Miên cùng công tác với cha tôi. Tình cảm của hai người khăng khít đến nỗi một ấm trà ngon cũng chẳng thể thiếu nhau.

Bác Miên hoài cổ và yêu mùa thu. Bác ở bên cha tôi mỗi cuối tuần, các ngày trong năm, nhưng tôi cảm thấy mùa thu bên hiên nhà ấy có một nỗi quyến rũ khó nói thành lời. Cha tôi thanh thản hơn vì con cái thành đạt, còn bác Miên vẫn vất vả, hai người con trai bác nhiễm chất độc hóa học, do bác truyền sang. Cả hai anh lớn mà không khôn, ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Trên vầng trán bác Miên, dù lúc nghe đàn, khi thưởng trà vẫn chẳng giấu nổi một nỗi buồn man mác. Cha tôi nhận thấy điều đó, hết lòng an ủi. Cách đây ít năm, bác gái mất, bác Miên buồn, đến gần nửa năm vắng bóng bên hiên. Tôi thấy cha đôi lúc bần thần nghĩ ngợi và khi có dịp thì đến tận nhà bác Miên an ủi. Hiên nắng đấy, những tia nắng thu nhảy nhót tinh nghịch góp cùng tiếng chim lích chích, vậy mà vẫn không nguôi tiếng thở dài. Khi bác Miên trở lại, những người đồng đội cũ, các bác hàng xóm tụ về, hiên thu vui hơn. Tiếng vĩ cầm réo rắt ngân lên. Tiếng đàn thành tiếng ủi an nhân nghĩa. Cha say sưa cống hiến món đàn điệu nghệ được truyền từ thời ông nội, lại được bồi đắp thêm khi em gái tôi học Nhạc viện, có nhiều thời gian đệm đàn cho cha. Bác Miên trong lúc thưởng trà đã nói tình người, tình bạn có sức mạnh lớn lao và ông hạnh phúc vì cuộc sống mình luôn được ướp hương bởi tình bạn. Điều đó giúp ông thêm nghị lực vượt qua khó khăn. Nỗi niềm của những người bạn tâm giao mấy chục năm trời, tôi không thể hiểu hết trong ngày một ngày hai.

Mùa thu này, một trong hai người con tật nguyền của bác Miên lìa đời. Anh ấy về với mùa thu vĩnh hằng. Vết thương trên ngực bác Miên buốt nhói. Hiên mùa thu mưa rơi rơi. Lá khế rụng chao chát. Cha tôi bỏ đàn hơn mười ngày cho đến khi bác Miên đến. Ông mang theo nỗi hoang hoải của một người cha đã chịu nhiều nỗi nhọc nhằn. Bác nói: “Không có tiếng đàn và khoảng không gian này của ông, chắc gì tôi còn trụ được đến hôm nay”.

Ai đó nói người già như chiếc lá thu. Cuộc đời cha tôi và bác Miên như những mùa thu. Trong dòng chảy của số phận, bác và cha tôi đã vịn vào tiếng đàn, quá khứ và niềm tin để tăng thêm nghị lực sống. Tôi tin trong dòng máu tôi cũng có sự êm đềm của âm nhạc đang chảy. Tôi yêu cuộc sống và yêu đến thân thương hiên nhà, nơi cha tôi coi là một tài sản, và tôi sẽ thừa hưởng, gìn giữ để giữ ký ức về thời của cha, sống nhân nghĩa và giàu hy sinh. Tôi sẽ tập để đàn giỏi hơn, ngân lên những thanh âm của cuộc sống đã truyền qua ba thế hệ giữa thành phố nhiều cây xanh và có mùa thu đặc biệt này.

Tản văn của NGUYỄN VĂN HỌC

(0) Bình luận
Âm điệu mùa thu