Ứng phó dân số già

15/10/2022 09:34

Theo dự báo của Tổng cục Dân số - KHHGĐ, đến năm 2030, tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% và sẽ nâng lên 25% vào năm 2050, đất nước ta sẽ bước vào giai đoạn “dân số siêu già”.

Các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hoạt động sôi nổi trở lại tạo sân chơi bổ ích cho người cao tuổi. Ảnh minh họa

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo dự báo của Tổng cục Dân số - KHHGĐ, đến năm 2030, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) Việt Nam chiếm 17% và sẽ nâng lên 25% vào năm 2050, đất nước ta sẽ bước vào giai đoạn “dân số siêu già”.

Dân số già đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với xã hội và gia đình. Đó là gánh nặng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, chăm sóc sức khỏe cho NCT. Theo quy luật, con người tuổi càng cao sức khỏe càng giảm, đặc biệt ở những người từ 80 tuổi trở lên. Theo thông tin tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động vì NCT năm nay của Tổng cục Dân số-KHHGĐ (Bộ Y tế), bình quân mỗi NCT nước ta đang mắc 3 loại bệnh. Bệnh tật ảnh hưởng đến tâm lý và các sinh hoạt đời sống hằng ngày. Chi tiêu về y tế cho nhóm NCT cao hơn gấp nhiều lần so với những nhóm tuổi khác. Trong khi hơn 67% số NCT sống ở khu vực nông thôn, đời sống của một bộ phận NCT vẫn còn khó khăn.

Bên cạnh đó, NCT nước ta lại chủ yếu sống ở gia đình do người thân chăm sóc. Phần lớn họ không có lương hưu, tích lũy xã hội. Sự phụ thuộc vào người thân về cả vật chất lẫn tinh thần khiến gánh nặng chăm lo cho NCT càng lớn. Một vấn đề quan ngại nữa là sự khác biệt về tư tưởng giữa các thế hệ ở nước ta khá lớn. Khi sống chung nếu không giải quyết tốt mâu thuẫn cũng dễ dẫn đến xung đột, ảnh hưởng đến quan hệ, tình cảm gia đình. 

Đối với Hải Dương, gánh nặng này rất lớn và ngày càng gia tăng. Hải Dương đang là một trong những tỉnh có số lượng NCT đứng vào tốp đầu cả nước với hơn 310.000 người, chiếm khoảng 18% số dân, cao hơn trung bình cả nước (cả nước 12%).

NCT bên cạnh nhu cầu được chăm sóc vẫn có những giá trị có thể phát huy tốt để đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội bởi NCT có kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình sống và làm việc, có sự nghiêm túc trong công việc. Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Họ đã tìm cách giải bài toán này khá hợp lý vừa tận dụng kinh nghiệm của NCT vừa đáp ứng việc thiếu nguồn lao động. Quốc hội Nhật Bản đã thông qua bộ luật ổn định việc làm cho NCT vào năm 2013. Đến nay, phần lớn doanh nghiệp Nhật Bản đều đã xây dựng chế độ làm việc đến 65 tuổi. Theo Báo cáo thường niên của Văn phòng Nội các về xã hội NCT Nhật Bản, có tới 70% số người từ 60-69 tuổi và khoảng 50% số người từ 70 tuổi trở lên ở nước này đang làm việc hoặc tham gia các hoạt động tình nguyện, hoạt động cộng đồng và sở thích.

Nhìn vào thực tế nước bạn để chúng ta có những kinh nghiệm, bài học cho mình. Bởi mỗi quốc gia có tiềm lực kinh tế, nhu cầu nhân lực, quan điểm xã hội khác nhau.

Hải Dương đang và sẽ đối diện với những thách thức không nhỏ của già hóa dân số, vì vậy chúng ta phải có sự quan tâm thỏa đáng, đi trước một bước để chủ động ứng phó. Nhận thức được vấn đề này, thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều hoạt động chăm lo, nâng cao đời sống, giúp NCT sống vui, sống khỏe. Nhưng thiết nghĩ về dài hơi, tỉnh cần quan tâm định hướng để người dân chú ý đến vấn đề xây dựng tích lũy cho tuổi già, đặc biệt là đối với những người không có lương hưu, thông qua các hình thức như tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tiết kiệm tài chính... Khuyến khích các cơ sở tạo việc làm phù hợp để phát huy giá trị của NCT. Đặc biệt, tỉnh cần có hoạch định rõ ràng trong việc xây dựng các cơ sở dịch vụ chăm lo cho NCT bằng nguồn xã hội hóa theo những mô hình đã thành công trên thế giới để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, giải trí của NCT. Ngoài sự vào cuộc của xã hội, bản thân mỗi người dân cần nâng cao nhận thức đối với công tác chăm lo NCT, nhất là đối với người thân trong gia đình để tránh xung đột thế hệ có thể xảy ra.

 NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng phó dân số già