Tứ Kỳ: Đột phá từ nông nghiệp hữu cơ

02/02/2021 08:12

Với những ưu thế về điều kiện tự nhiên, huyện Tứ Kỳ đã xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là giải pháp để nâng cao giá trị sản xuất và bảo vệ môi trường bền vững.


Vùng sản xuất lúa hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy tự nhiên ở xã An Thanh

Nhiều tiềm năng 

Từ những năm 1999-2000, nông dân xã An Thanh đã hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học ở vùng khai thác rươi, cáy tự nhiên ngoài bãi sông Thái Bình. Vài năm gần đây, người dân chấm dứt hoàn toàn với phương thức canh tác hóa học, chuyển sang làm hữu cơ để tạo môi trường thuận lợi cho rươi, cáy sinh sôi. Từ đó, sản xuất hữu cơ (SXHC) trở nên quen thuộc và là yếu tố sống còn trong phát triển nông nghiệp ở địa phương này. Theo Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh Phạm Xuân Luận, 137,2 ha bãi sông của xã ngoài khai thác rươi, cáy, nông dân còn trồng lúa hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dù năng suất lúa chỉ đạt từ 40-42 tạ/ha, thấp hơn từ 10-15 tạ/ha so với gieo cấy thông thường song lợi nhuận lại cao gấp đôi. Canh tác hữu cơ còn nhằm cải tạo đất, nước giúp rươi, cáy sinh trưởng thuận lợi, sản lượng cao. Hiện giá trị sản xuất nông nghiệp tại khu đất bãi sông đạt từ 400-450 triệu đồng/ha/năm. Thời gian tới, tận dụng lợi thế khi cống Sồi đã được nâng cấp, cải tạo, địa phương sẽ phát triển thêm 214 ha lúa hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy ở khu vực trong đồng.

Gắn bó với NNHC chưa lâu nhưng cũng đủ để anh Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Thế hệ mới khẳng định chỉ có SXHC mới có thể phát huy hết tiềm năng nông nghiệp tại huyện Tứ Kỳ. Theo anh Tuân, SXHC là xu thế tất yếu khi con người ngày càng quan tâm tới sức khỏe và môi trường sống. Anh Tuân cũng là người đầu tiên thí điểm gieo cấy lúa hữu cơ ở vùng đất bãi sông của các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà. Công ty của anh đang liên kết sản xuất tiêu thụ gạo hữu cơ cho người dân với diện tích 120 ha. Anh đã xây dựng thương hiệu gạo bãi rươi hữu cơ và sản phẩm nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Gạo bãi rươi hữu cơ đã tiếp cận được phân khúc thị trường tầm trung, tầm cao, có mặt ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. "Tôi đang ấp ủ kế hoạch xây dựng mô hình du lịch sinh thái để du khách được trải nghiệm thực tế quy trình SXHC. Tôi mong muốn thông qua dự án này sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả người sản xuất và người tiêu dùng về NNHC. Từ đó, người dân sẽ quan tâm tới phương thức canh tác không mới nhưng cấp thiết này", anh Tuân cho biết.

Định hướng phát triển

Tứ Kỳ là địa phương đi đầu của tỉnh trong phát triển NNHC cả về quy mô lẫn diện tích. Huyện đang có 6 vùng SXHC ở các xã An Thanh, Quang Trung, Cộng Lạc, Chí Minh... với tổng diện tích 238,2 ha. Định hướng NNHC của huyện là xây dựng vùng lúa hữu cơ gắn với khai thác rươi, cáy tự nhiên. Địa phương phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 626 ha được canh tác hữu cơ. Ngoài cấy lúa, huyện cũng nghiên cứu trồng 100 ha chuối hữu cơ gắn với xuất khẩu. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết NNHC là một trong những thế mạnh của Tứ Kỳ. Thực tế sản xuất cho thấy canh tác hữu cơ đang mang lại giá trị cao với đầu ra ổn định. 3 nông sản đầu tiên của huyện được công nhận là sản phẩm OCOP đều có nguồn gốc từ vùng SXHC, nhưng việc phát triển NNHC cần được định hướng cụ thể, bài bản vì thay đổi tập quán canh tác không thể thực hiện trong một sớm, một chiều. Điểm khác biệt trong SXHC của Tứ Kỳ so với các địa phương khác trong tỉnh là huyện đang hướng đến sản phẩm NNHC hàng hóa và đang khảo sát, quy vùng SXHC phù hợp.

Trên nền tảng tiềm năng, thế mạnh vốn có và căn cứ vào tình hình, xu hướng sản xuất nông nghiệp tại địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tứ Kỳ lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020-2025 xác định đẩy mạnh phát triển NNHC là một trong những khâu đột phá. Huyện đang xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, NNHC bảo đảm vệ sinh thực phẩm, gắn kết thị trường tiêu thụ. Trong đó tập trung nghiên cứu cơ chế hỗ trợ về hạ tầng, kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển SXHC. Ông Đào Văn Soái, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: "Tứ Kỳ đã có nền tảng về NNHC nên cần phải có chủ trương, chính sách phù hợp để thúc đẩy sản xuất phát triển. Huyện cũng quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hữu cơ, vừa bảo hộ nông sản về mặt pháp lý, vừa gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường".

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tứ Kỳ: Đột phá từ nông nghiệp hữu cơ