Các bác sĩ cho biết khi thời tiết nắng nóng trẻ rất dễ bị say nắng, sốc nhiệt nếu tham gia các hoạt động thể thao mạnh ngoài trời quá lâu.
Do vậy, nhà trường cần chú ý linh hoạt các môn học thể dục, tránh để trẻ tham gia các hoạt động thể dục mạnh dưới nắng gắt như chạy bộ, chạy marathon, bóng đá, bóng chuyền...
Nguy kịch vì chạy bộ dưới nắng nóng
Ngày 5.5, Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, cho biết bệnh viện vừa cấp cứu thành công bệnh nhi T.T.K. (nam, 14 tuổi) bị tổn thương gan và thận do sốc nhiệt. Qua khai thác bệnh sử, ghi nhận lúc 8 giờ 30 ngày 4.5, em K. tập chạy quanh sân bóng của trường, chạy được 10 vòng trong 30 phút, mỗi vòng trung bình 400m.
Sau khi chạy xong, em K. than mệt, vã mồ hôi, vọp bẻ chân (chuột rút), nhức đầu, ngất xỉu không biết gì. Sau đó, K. được đưa đến bệnh viện địa phương trong tình trạng tím tái, được bác sĩ đặt nội khí quản giúp thở... Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của K. diễn tiến nặng và được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố vào lúc 13h30 cùng ngày.
Bệnh nhi được chẩn đoán sốc nhiệt khi vận động gắng sức trong môi trường nắng nóng. Sau 6 giờ điều trị, sức khỏe của K. được cải thiện, sốt 38oC, tỉnh táo, tự thở khá. Bệnh nhi tiếp tục được điều trị hỗ trợ gan thận, theo dõi tình trạng huyết động.
Trao đổi thêm với phóng viên, Bác sĩ Minh Tiến cho hay nếu thấy thời tiết nắng gắt, nền nhiệt cao, thầy cô nên linh hoạt lựa chọn các môn thể thao cho trẻ tập luyện. Không nên cho trẻ tham gia những môn thể thao mạnh như bóng đá, chạy bộ, bóng chuyền...
Thầy cô nên cho học sinh hoạt động thể thao ở nơi có bóng mát, có mái che và đặc biệt là cho trẻ uống nhiều nước và có thể chơi những môn thể thao như bóng bàn, cầu lông vì có mái che.
Bác sĩ Tiến lưu ý đối với trẻ em khi vận động 20 - 30 phút phải nghỉ giải lao, thay vì 45 phút như người lớn. Đồng thời nên cho trẻ mặc đồ vải mỏng, ngắn tay, màu nhạt để tránh hấp thu nhiệt, cho trẻ uống nhiều nước, tránh chơi vận động mạnh dưới trời nắng nóng, đội nón rộng vành khi đi ngoài trời nắng...
Sức khỏe trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết
PGS.TS Phạm Văn Quang - trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết khi trời nắng nóng không nên cho trẻ ra ngoài tập luyện. Khi tập thể dục dưới trời nắng nóng, trẻ rất dễ bị mất nước và sốc nhiệt, dẫn đến có thể gặp những biến chứng nặng gây nguy hiểm đến tính mạng.
"Nguyên tắc là chỉ cho trẻ vận động khi trời mát. Phụ huynh, thầy cô có thể lựa chọn thời điểm khác nhau để trẻ tập thể dục, với thời tiết nắng nóng như hiện nay không khuyến khích trẻ phải vận động dưới trời nắng. Kể cả với những trẻ ở trường năng khiếu cũng không nên vận động dưới trời nắng, rất nguy hiểm" - ông Quang nói.
Ông Quang cũng khuyến cáo khi thấy trẻ có biểu hiện mất nước, sốc nhiệt người lớn cần đưa trẻ đến khu vực thoáng mát để giảm nhiệt độ của trẻ. Đồng thời cho trẻ uống thêm nước, vì trẻ đã mất nước rất nhiều khi vận động. Trường hợp nếu thấy trẻ có biểu hiện ngất xỉu không biết gì, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.
Bác sĩ Trương Thị Ngọc Phú, Phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, cho hay sức khỏe của trẻ luôn chịu ảnh hướng lớn từ thời tiết. Tỉ lệ lượng nước trong cơ thể cũng như hệ miễn dịch của trẻ khác với người lớn. Khi thời tiết nắng nóng làm cho cơ thể trẻ tiết ra nhiều mồ hôi để giải nhiệt, trẻ dễ bị mất nước kèm mất điện giải, đồng thời là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút tấn công.
Trẻ có thể bị say nắng nếu tham gia các hoạt động ngoài trời quá lâu, khiến cơ thể bị mất nước và muối khoáng qua sự bài tiết mồ hôi trên da và qua hơi thở.
Uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây
Bác sĩ Trương Ngọc Phú tư vấn khi thời tiết nắng nóng phụ huynh cần bổ sung lượng nước đầy đủ, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất, nhiều vitamin có trong trái cây cho trẻ. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc uống nước ngọt có gas. Chế biến và bảo quản thức ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, cần tạo thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ, hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, giúp loại bỏ những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ đôi bàn tay bé.
Phụ huynh nên lưu ý tiêm vắc xin đầy đủ cho con trẻ, đây chính là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả. Song song đó, mỗi gia đình nên giữ môi trường sống trong lành nhằm hạn chế sự lây lan các bệnh lý truyền nhiễm.
Theo Tuổi trẻ