Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, khả năng nhiều địa phương trên cả nước xảy ra nắng nóng, đặc biệt tại miền Trung dự báo nắng nóng trên 40 độ C, thậm chí lên tới 45 độ C.
Dự báo do ảnh hưởng của không khí lạnh yếu, trong chiều tối và đêm các ngày từ 21-24/4, miền Bắc có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa đến mưa to. Khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Dự báo trong các ngày 22-24/4, do ảnh hưởng của không khí lạnh yếu, miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa đến mưa to.
Ông Nguyễn Đức Hoà, Phó Trưởng Phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 tới, thời tiết các khu vực trên cả nước phổ biến nắng nóng và nắng nóng gay gắt. Tuy nhiên các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá vẫn có thể xảy ra, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.
Như vậy sau 2 ngày dịu mát đầu tuần, Bắc Bộ và Trung Bộ sắp đón đợt nắng nóng diện rộng. Theo dự báo thời tiết các địa phương 10 ngày tới cập nhật trên website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 5 ngày nghỉ lễ dịp 30/4-1/5, nhiệt độ các khu vực này bắt đầu tăng nhanh.
Nắng nóng và nắng nóng gay gắt bao trùm các tỉnh, thành ở Bắc Bộ và Trung Bộ, có nơi đặc biệt gay gắt. Cụ thể, các địa phương từ Nghệ An đến Phú Yên ngày 24/4 nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Thanh Hóa đến Phú Yên từ 25/4 nhiệt độ ở ngưỡng nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Trong đó, bảng cập nhật thời tiết 10 ngày tới của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia hiển thị, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nhiệt độ cao nhất trong tuần tới dự báo xảy ra trong 5 ngày nghỉ lễ, phổ biến từ 40 độ C trở lên. Đặc biệt ngày 30/4-1/5, nhiệt độ cao nhất có thể lên tới 42-43 độ C. Đáng chú ý, tại tỉnh Quảng Trị, nhiệt độ các ngày 29, 30/4 và 1/5 có thể tăng cao kỷ lục lên ngưỡng 45 độ C, trời nắng nóng đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ này nếu xảy ra sẽ phá vỡ kỷ lục nhiệt độ cao nhất 44,2 độ C tại Tương Dương (Nghệ An) vào ngày 7/5/2023.
Tại Hà Nội, từ 26/4, nhiệt độ tăng mạnh lên 35 độ C, trời chuyển nắng nóng. Ngày 30/4-1/5, nhiệt độ cao nhất ở Thủ đô là 38 độ C, trời ít mây và nắng nóng gay gắt. Tại Điện Biên, giai đoạn từ 26/4-1/5, nhiệt độ trong ngày phổ biến 25-38 độ C, có ngày lên 39 độ C, thời tiết nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Xác suất xảy ra mưa trong những ngày này thấp. Theo cơ quan khí tượng, thời kỳ từ 21/4 - 20/5, áp thấp nóng phía Tây hoạt động mạnh dần nên nắng nóng xu hướng gia tăng nhiều hơn tại Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục xuất hiện nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt.
Không chỉ hoạt động mạnh ở miền Bắc và miền Trung, theo các chuyên gia khí tượng, đợt nắng nóng này cũng sẽ gia tăng nền nhiệt ở Nam bộ và Tây Nguyên trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5. Dự báo nhiệt độ tại Đông Nam bộ đợt tới khoảng 39 - 40 độ C (thậm chí Đà Lạt - Lâm Đồng cũng sẽ có mức nhiệt độ cao nhất đạt 31 độ C).
Như vậy, từ khoảng ngày 26 đến 30/4 và 1/5, nắng nóng sẽ bùng ra diện rộng trên cả nước. Do ban ngày nắng nóng nên về chiều rất dễ xảy ra hiệu ứng dông nhiệt, gây mưa rào, dông lốc, mưa đá… Các chuyên gia khí tượng cho rằng, người dân cần chủ động nắm thông tin dự báo để điều tiết kế hoạch làm việc, đi lại, vui chơi, nghỉ lễ…
Các chuyên gia dự báo, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên cả nước khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nhiệt độ trung bình trên cả nước thời gian này phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 1-2 độ C, riêng phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có nơi cao hơn 2-3 độ C. Khô hạn ở Tây Nguyên và Nam Bộ còn tiếp diễn. Ở Trung Bộ, khô hạn khả năng xuất hiện và kéo dài trong suốt thời kỳ dự báo.
Trên phạm vi toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa dông kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. "Từ 21/4-20/5 là thời kỳ giao mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh. Với sự thiếu hụt mưa và khả năng nắng nóng gia tăng trên phạm vi cả nước, nguy cơ cao kéo dài thêm tình trạng khô hạn, thiếu nước và tiềm ẩn cháy nổ rất cao", Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cảnh báo.
Về xu thế mưa, chuyên gia Nguyễn Đức Hòa cho biết trong thời gian dự báo trên, tổng lượng mưa tại tại các khu vực trên cả nước phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Cụ thể tại khu vực Bắc Bộ, tổng lượng mưa thấp hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ; riêng vùng núi phía Đông Bắc Bộ có nơi ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; khu vực Trung Bộ thấp hơn từ 20-40%; khu vực Tây Nguyên và khu vực Nam Bộ phổ biến thấp hơn từ 10-30%. "Với sự thiếu hụt mưa và khả năng nắng nóng gia tăng hơn so với trung bình nhiều năm, nguy cơ cao sẽ kéo dài thêm tình trạng khô hạn, thiếu nước và tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ rất cao" ông Hòa nhấn mạnh.
TN (theo Sức khỏe và Đời sống)