Trong phương châm “5 rõ” cần đặc biệt chú trọng đến “rõ trách nhiệm” để đánh giá đúng trình độ, năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân.
Theo Kết luận số 40-KL/TW ngày 18.7.2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026, từ nay đến năm 2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Chủ trương này tiếp tục cho thấy quyết tâm của Trung ương trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Giai đoạn 2015-2021, Hải Dương đã thực hiện bảo đảm lộ trình, bám sát mục tiêu của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế. Trong giai đoạn trên, toàn tỉnh đã thực hiện cơ bản đúng tiến độ, các chỉ tiêu về sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn và giảm được 13,6% biên chế so với năm 2015. Tuy nhiên, dù đạt mục tiêu tinh giản ít nhất 10% biên chế nhưng việc tinh giản biên chế vẫn chưa thực sự phát huy tối đa ý nghĩa, tác dụng. Hầu hết các trường hợp tinh giản biên chế trong tỉnh là cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu. Cá biệt ở một vài đơn vị, địa phương còn có những trường hợp chủ động không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục để được tinh giản biên chế.
Những hạn chế trong thực hiện tinh giản biên chế có nguyên nhân quan trọng là công tác đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu. Ngày 22.7 vừa qua, phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã đặt câu hỏi: Vì sao nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí ra tòa, trước đó đều được xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?
Ở Hải Dương, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, trong nhiệm kỳ này, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đánh giá cán bộ được thực hiện theo phương châm “5 rõ" là rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm. Tuy nhiên, trong thực tế “5 rõ” cũng chưa thực sự phát huy tác dụng, trở thành liều thuốc đủ mạnh đối với công tác đánh giá cán bộ. Năm 2021, kết quả kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cũng cho thấy rất ít trường hợp bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ. Phần lớn đảng viên bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ cũng là do bị kỷ luật vì vi phạm chính sách dân số…
Thời gian qua, Hải Dương đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, chuyển đánh giá cán bộ từ “định tính” sang “định lượng”. Cùng với phương châm “5 rõ” mỗi năm cán bộ, đảng viên phải đăng ký thực hiện 1-2 công việc đột phá; xây dựng chương trình hành động khi được xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vị trí cao hơn… Để thực hiện tinh giản biên chế thực chất, hiệu quả thì công tác đánh giá cán bộ cần tiếp tục được thực hiện theo hướng đa chiều, bằng sản phẩm cụ thể, không chạy theo thành tích. Việc giám sát, đánh giá mức độ hoàn thành các công việc, cam kết, lời hứa của cán bộ, công chức, viên chức cần được thực hiện thường xuyên, công khai, thực sự quyết liệt, nghiêm túc hơn nữa.
Trong phương châm “5 rõ” cần đặc biệt chú trọng đến “rõ trách nhiệm” để đánh giá đúng trình độ, năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân. Làm tốt công tác đánh giá cán bộ sẽ góp phần quan trọng sàng lọc những trường hợp không đủ năng lực ra khỏi bộ máy, tổ chức, giúp hệ thống chính trị thực sự tinh và gọn.
HOÀNG LONG