Góc nhìn

Đừng để vì đất mất tình thân

HOÀNG LONG 23/06/2024 07:14

Thời gian gần đây, ở Hải Dương xảy ra một số việc xót xa liên quan đến tranh chấp đất đai giữa người thân trong gia đình. Vì lợi ích vật chất, vì đất mất tình thân.

banananana-1-.jpg
Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh thông báo quyết định cưỡng chế vụ việc tranh chấp thừa kế tài sản giữa 2 dì cháu ở huyện Tứ Kỳ vào ngày 13/6

Mới đây, báo Hải Dương đã phản ánh vụ việc vì tranh chấp quyền thừa kế thửa đất cha ông để lại mà hai dì cháu ở huyện Tứ Kỳ phải kiện nhau ra tòa để phán xét. Sau đó, vì vẫn không ai chịu ai nên các lực lượng chức năng gồm hàng trăm người tham gia phải thực hiện cưỡng chế, buộc các bên phải thi hành bản án. Vụ việc tạm khép lại nhưng từ nay đến mai sau tình thân giữa các đương sự khó còn được như trước đây.

Giữa năm 2023, một vụ việc tranh chấp đất đai ở huyện Bình Giang cũng khiến nhiều người cám cảnh, xót gia. Vì thửa đất và căn nhà người cha đã mất để lại mà người con trai nhẫn tâm đuổi mẹ ruột của mình đi hòng độc chiếm tài sản. Vụ việc cũng chỉ được giải quyết khi người mẹ hết cách, đành kiện con ra tòa và phải cưỡng chế thi hành án giao lại thửa đất, ngôi nhà cho bà cụ.

Cuối năm 2022, dư luận cả nước rúng động bởi vụ án ở tỉnh Hưng Yên khi 3 con gái đến nhà mẹ đẻ đập phá, đốt xăng vì mâu thuẫn phân chia tài sản. Hậu quả người mẹ và 2 con gái tử vong do bỏng nặng, người con gái còn lại bị bỏng 22%, sau đó bị tuyên phạt hơn 22 năm tù về các tội giết người, hủy hoại tài sản...

Các vụ việc tranh chấp, kiện tụng liên quan tài sản mà chủ yếu là đất đai giữa những người thân trong gia đình gia tăng, phức tạp cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức trong xã hội. Vì sự ích kỷ, lợi ích vật chất mà những giá trị truyền thống, nền nếp tốt đẹp bị đứt gãy, đảo lộn. Các thành viên trong gia đình sẵn sàng xâu xé, coi nhau như kẻ thù, thậm chí tước đoạt mạng sống của nhau. Đất đai sẽ ngày càng có giá trị rồi đây còn khiến lòng tham của con người trỗi dậy. Đồng tiền được nhiều người coi trọng quá mức nên các vụ tranh chấp chắc chắn sẽ nhiều hơn, phức tạp hơn.

Cùng với phê phán tính ích kỷ, các hành vi trái pháp luật, vô đạo đức hay vun đắp tình yêu thương, chia sẻ, đùm bọc trong gia đình, họ mạc thì việc nâng cao ý thức, sự hiểu biết, thượng tôn pháp luật cho người dân là rất cần thiết. Ví dụ thực tế cho thấy các tranh chấp tài sản, đất đai do ông cha để lại khá phổ biến. Trước đây, theo truyền thống ở nhiều nơi, nhà cửa, đất ở của bố mẹ thường để lại cho con trai có trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ tuổi già, thờ cúng gia tiên. Con gái theo nhà chồng nên mặc định không được và cũng không quan tâm đến việc thừa hưởng nhà đất của bố mẹ. Hiện nhiều gia đình vẫn thực hiện theo nếp trên. Nếu các thành viên trong gia đình hòa thuận với nhau thì không xảy ra tranh chấp. Nhưng nhiều trường hợp, vì bố mẹ qua đời không để lại di chúc, các con vì lòng tham hoặc gặp biến cố cần có tài sản, tiền để giải quyết mới tìm hiểu, đòi quyền thừa kế tài sản. Nếp cũ không còn, di chúc của bố mẹ không có dẫn đến anh em phải đưa nhau ra tòa giải quyết, huynh đệ tương tàn vì tranh giành tài sản.

Để ngăn ngừa tình trạng tranh chấp tài sản giữa người thân với nhau, biện pháp hiệu quả hiện nay vẫn là tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết về những ưu điểm của sự phân chia tài sản, thỏa thuận tài sản rõ ràng bằng văn bản trong các giao dịch để có đủ cơ sở giải quyết đúng theo quy định. Chính quyền, đoàn thể ở cơ sở cần kịp thời nắm bắt những mâu thuẫn, tranh chấp trong các gia đình ngay từ lúc phát sinh để tuyên truyền, vận động, hòa giải các vụ việc đúng pháp luật, tránh xảy ra những sự việc đau lòng, vì đất mà mất tình thân.

HOÀNG LONG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng để vì đất mất tình thân
    ss