Góc nhìn

Lo ngại bún, bánh phở chứa formol

TIẾN MẠNH 08/06/2024 05:30

Hai năm gần nhất, Hải Dương đều ghi nhận mẫu bún và bánh phở tươi dương tính với Formaldehyde (còn gọi là formol) - một loại độc tố mạnh, có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho sức khoẻ.

img_0579-2.jpg
Cán bộ Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm tỉnh Hải Dương lấy mẫu bún tại một chợ dân sinh ở TP Hải Dương để kiểm nghiệm

Tôi mới đi ăn sáng cùng một người bạn đang công tác trong ngành y tế. Vào quán phở bò, bạn tôi gọi bát bánh đa khô thay vì bánh phở như sở thích thường ngày. Bạn tôi nói từ giờ sẽ hạn chế ăn bún, phở tươi vì có khả năng những loại thực phẩm này có chứa formol.

Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm vừa qua, cơ quan của bạn tôi đã lấy 6 mẫu bún, bánh phở tươi ở một số chợ tại TP Hải Dương để kiểm nghiệm. Kết quả là có 1 mẫu bánh phở dương tính với formol. Năm ngoái, cũng tại TP Hải Dương, cơ quan chức năng của tỉnh kiểm nghiệm phát hiện 2 mẫu bún có chứa formol.

Đó mới chỉ là kết quả kiểm nghiệm các mẫu bún, bánh phở tươi ở một số chợ dân sinh tại TP Hải Dương. Tôi tự hỏi, nếu có một cuộc lấy mẫu tổng thể các cơ sở sản xuất, kinh doanh bún, phở tươi trong toàn tỉnh để kiểm nghiệm thì không biết còn bao nhiêu mẫu nhiễm hoá chất độc hại trên.

Tổ chức Y tế thế giới liệt kê formol vào loại hoá chất độc hại đối với sức khoẻ con người. Một thí nghiệm trên động vật cho thấy Formol làm chết 50% số động vật thí nghiệm với liều lượng từ 260-800 mg trên mỗi kg cơ thể. Hoá chất này chủ yếu được sử dụng trong công nghiệp, dùng để ướp xác trong phòng thí nghiệm y tế, làm chất trung gian hoá học để sản xuất xốp cách nhiệt, nhựa, phân bón, giấy, thuốc sát trùng...

Formol là chất cấm không được sử dụng trong chế biến thực phẩm dù với bất cứ liều lượng nào. Thế nhưng một số người vì lợi ích trong kinh doanh mà nhẫn tâm pha trộn chất cấm này vào bún, bánh phở... để kéo dài thời gian bảo quản. Cơ thể con người khi dung nạp các loại thực phẩm chứa formol trong thời gian dài thì dù hàm lượng cao hay thấp cũng đều gây ra những tác hại rất lớn đối với sức khoẻ như ngộ độc (nặng có thể gây tử vong ngay), tổn thương hệ hô hấp, phù phổi, viêm phổi, ung thư, dị tật bẩm sinh cho thai nhi, làm biến dị các nhiễm sắc thể...

Có thể coi hành vi đưa formol vào bảo quản thực phẩm nói chung, bún, bánh phở tươi nói riêng là độc ác. Tuy nhiên, những chủ cơ sở vi phạm lại chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Điều này chưa đủ sức răn đe để những cơ sở khác rút kinh nghiệm. Ngược lại, nó còn khiến thực trạng này tiếp tục diễn ra âm thầm mà chúng ta không hề hay biết nếu không lấy mẫu kiểm nghiệm.

Bún, bánh phở tươi... được người dân sử dụng phổ biến thường ngày. Những loại thực phẩm này chứa formol rất khó nhận biết bằng mắt thường. Đây là một thực trạng đáng lo ngại, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với sức khoẻ cộng đồng. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc hơn. Trước mắt cần thường xuyên tổ chức lấy mẫu kiểm nghiệm các mẫu bún, bánh phở tươi và những loại thực phẩm khác tại các cơ sở sản xuất, chợ dân sinh. Trên cơ sở đó, kịp thời đưa ra những khuyến cáo cho người tiêu dùng. Tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận biết thực phẩm có chứa formol để tránh xa.

Nhà nước cũng cần tăng chế tài xử lý thật nghiêm với những cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm có sử dụng formol, bảo đảm tính răn đe. Về lâu dài, cần nghiên cứu hình thành lực lượng chuyên giám sát, kiểm nghiệm thực phẩm đầu vào tại các chợ dân sinh. Cấp kinh phí để kiểm tra nhanh các mẫu thực phẩm tại các chợ, siêu thị nhằm ngăn chặn kịp thời thực phẩm bẩn, nguy hại cho sức khoẻ người tiêu dùng.

TIẾN MẠNH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo ngại bún, bánh phở chứa formol
    ss