Góc nhìn

Tiền điện tử không phải tiền ảo

SONG TƯỜNG 01/07/2024 05:11

Từ ngày 1/7/2024, Nghị định 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực, trong đó có quy định về tiền điện tử. Mọi người cần hiểu rõ về tiền điện tử, đừng để mất tiền oan.

864d722c-ff80-4e1b-bbb1-9a4a32163249-505f51f089aea038ee947c5ac5aa465f.jpg
Muốn "chơi" tiền ảo cần hiểu cho thật rõ về tiền ảo

Hơn 2 tháng trước, trên nhóm Facebook có tên "Pi Network Hải Dương", một tài khoản đã đăng tải nội dung trong đó có câu"khuyên mọi người nên đào Pi", kèm theo bài viết là hình ảnh về một chương trình của VTV1 có kèm ảnh của đồng tiền ảo Pi.

Chương trình trên kênh VTV1 nói trên là "HiTech Công nghệ tương lai" phát sóng lúc hơn 20 giờ ngày 18/4/2024. Hình ảnh trên được chụp từ một đoạn nội dung về vấn đề hoàn thiện pháp lý liên quan đến tài sản ảo và không có bất kỳ lời nào khuyên mọi người nên "đào Pi". Bài đăng của tài khoản Facebook nói trên vẫn tồn tại đến tận bây giờ, không chỉ trên nhóm đó mà cả trang cá nhân.

Vấn đề tiền điện tử, tiền ảo lại rộ lên, bàn luận sôi nổi hơn trong những ngày qua, khi từ ngày 1/7/2024, Nghị định 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực, trong đó có quy định về tiền điện tử.

Tôi từng nghe không ít người kháo nhau, đại ý kiểu như "giờ Việt Nam mình đã công nhận tiền điện tử rồi, tức là được công khai giao dịch Bitcoin, Pi rồi", và không ít lời hùa theo như: "Đấy, tôi đã bảo mà, kiểu gì cũng được công khai mà". Có thể do không ít người dân chưa hiểu rõ về tiền điện tử, hiểu nhầm những đồng tiền ảo như Bitcoin, Pi… là tiền điện tử. Hoặc cũng có thể do một số người lợi dụng sự thiếu hiểu biết đó để tuyên truyền, dụ dỗ người dân "làm giàu bằng cách đào tiền ảo".

z5587655793627_6a5d87e73b8dad9a13c5dde88a0ae408(1).jpg
Một nội dung được đăng trên nhóm "Pi Network Hải Dương" từ ngày 21/4/2024

Xin khẳng định, Việt Nam chưa công nhận tiền ảo là tài sản. Quy định về tiền điện tử trong nghị định nói trên cũng nêu rõ tiền điện tử là giá trị tiền Việt Nam đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử, được cung ứng trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử. Theo nghị định này, hai phương tiện lưu trữ tiền điện tử là ví điện tử và thẻ trả trước.

Chung quy lại tiền điện tử là thể hiện của đồng tiền pháp định của ngân hàng trung ương, phát hành dưới dạng tiền giấy nhưng người cầm tiền lưu trữ dưới dạng điện tử trong điện thoại, máy tính... Dễ thấy nhất là tiền chúng ta đang có trong tài khoản ngân hàng của mỗi người, có thể rút thành dạng tiền mặt ở bất kỳ hệ thống ATM nào hoặc trực tiếp tại quầy ngân hàng.

Với ví điện tử, về nguyên tắc, ví điện tử phải liên kết với tài khoản ngân hàng, từ đó chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang ví điện tử để giao dịch theo nhu cầu. Bản chất ví điện tử không tự tạo ra tiền.

Vậy những đồng tiền như Bitcoin, Pi thì nên hiểu như thế nào cho đúng? Có hai khái niệm cần hiểu rõ. Đầu tiên là tiền ảo có điểm giống với tiền điện tử ở chỗ cùng tồn tại trên môi trường internet. Tuy nhiên, đây không phải loại tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành, mà do tổ chức hoặc cá nhân nào đó phát hành và phân phối. Họ có toàn quyền kiểm soát số tiền ảo đã phát hành. Tiền ảo được công nhận và sử dụng trong một cộng đồng cụ thể với nhiều mục đích khác nhau. Dễ thấy nhất là đồng tiền ảo thường thấy trong trò chơi điện tử.

Một loại tiền khác, đó là tiền mã hóa, thường được biết đến với cụm từ tiếng Anh là "Crypto-Currency", hoặc dạng tắt là "Crypto". Dạng tiền này được tạo ra từ các thuật toán mã hóa phức tạp, được ghi lại các giao dịch trên một cuốn "sổ cái mã hóa" là công nghệ blockchain. Bitcoin là một dạng tiền như vậy.

Nhầm lẫn, hiểu không rõ về bản chất, tên gọi từng loại tiền như trên đã khiến không ít người ngộ nhận rằng Việt Nam đã công nhận về Bitcoin, hay một dạng tiền khác là Pi. Trong thế giới tiền ảo, tiền mã hóa hiện nay, Pi đang "nổi như cồn" với tuyên bố hàng chục triệu người tham gia.

Dự án đồng tiền Pi này được quảng cáo có thể “đào” miễn phí trên điện thoại bằng ứng dụng Pi Network. Sau khi cài ứng dụng, tài khoản Pi của người dùng sẽ tự động tăng với điều kiện phải mở ứng dụng để “điểm danh” mỗi ngày. Càng mời được nhiều người tham gia, tốc độ “đào” sẽ càng nhanh. Pi đã từng gây sốt tại Việt Nam và thu hút nhiều người tham gia do suy nghĩ không mất tiền mà chỉ cần hằng ngày mở ứng dụng. Thế nhưng, để xác minh danh tính, người dùng phải cung cấp hình ảnh chứng minh nhân dân và cung cấp một số thông tin cá nhân khác.

Thử hình dung, một ứng dụng nằm trong điện thoại của rất nhiều người, lại yêu cầu rất nhiều quyền truy cập như danh bạ, thông tin mạng, sinh trắc học… thì có thể lấy những thông tin gì. Đó hoàn toàn có thể là những dữ liệu sâu hơn, riêng tư và nhạy cảm hơn chứ không chỉ là những thông tin, dữ liệu phổ biến như tên, số điện thoại, tài khoản Facebook...

"Chơi" tiền ảo, tiền mã hóa thì phải hiểu sâu về nó, đừng "ù ù cạc cạc" để rồi có ngày rước họa vào thân.

SONG TƯỜNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiền điện tử không phải tiền ảo