Thực hiện kế hoạch sử dụng đất đạt thấp, vì sao?

22/01/2018 05:23

Năm 2017, việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất của các địa phương đạt rất thấp, gây khó khăn cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...


Thị xã Chí Linh là một trong những địa phương có kết quả sử dụng đất thấp nhất tỉnh

Không đạt yêu cầu

Năm 2017, huyện Bình Giang được phê duyệt kế hoạch chuyển mục đích sử dụng 116,7 ha đất. Mặc dù vậy, đến hết năm, huyện mới thực hiện được 42,2 ha, bằng 36,1% kế hoạch. Đối với đất ở tại nông thôn, huyện được phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) cho hơn 48 ha phục vụ xây dựng các khu dân cư (KDC) mới, nhưng cả năm 2017 mới thực hiện được 12,4 ha, đạt 25,7%. Diện tích chưa thực hiện được nằm ở một số dự án lớn như KDC phía nam thị trấn Kẻ Sặt (19,8 ha), KDC phía nam thôn Cậy, xã Long Xuyên (4,3 ha), KDC mới Vĩnh Lại, xã Vĩnh Tuy (4,5 ha), KDC Trại Cá, xã Thái Học (7 ha). Ngoài ra, việc thực hiện kế hoạch SDĐ một số loại hình đất khác cũng đạt thấp như đất cụm công nghiệp chỉ đạt 23%, đất phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, công trình phúc lợi công cộng  39,8%...

Năm 2017, kết quả thực hiện kế hoạch SDĐ của thị xã Chí Linh cũng đạt rất thấp, trong đó đất nông nghiệp đạt 8,68%, đất phi nông nghiệp 8,53%, đất trồng cây lâu năm (2,75%), đất rừng sản xuất (6,71%), đất ở nông thôn (3,78%), đất ở đô thị (2,91%), đất giáo dục - đào tạo (10,9%), đất thương mại dịch vụ (4,13%), đất cơ sở y tế (11,5%), đất phát triển hạ tầng (6,2%). Ngoài ra, một số chỉ tiêu SDĐ chưa thực hiện được theo kế hoạch là đất quốc phòng, an ninh, cụm công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, chợ, bãi thải, xử lý chất thải, khu vui chơi giải trí…

Theo kế hoạch được duyệt, huyện Gia Lộc tăng thêm 254 ha đất phi nông nghiệp nhưng đến hết năm mới đạt 17,2%, tương ứng là 43,7 ha. Nhiều công trình nằm trong kế hoạch chuyển mục đích SDĐ chưa thực hiện được như xây dựng cơ sở gia công hàng may mặc xuất khẩu của Công ty CP Quang Minh ở xã Đồng Quang, cơ sở gia công may mặc Trung Thành ở xã Gia Khánh, điểm tiểu thủ công nghiệp tập trung làng nghề mộc Đức Đại ở thị trấn Gia Lộc, cơ sở sửa chữa ô tô ở xã Hồng Hưng…

Ngoài các địa phương trên, kết quả thực hiện kế hoạch SDĐ của một số huyện, thành phố khác cũng đạt thấp như Cẩm Giàng đạt 30%, Kinh Môn 22%, TP Hải Dương 30%…

Chưa sát thực tế


Mở rộng đường thôn, xóm, đường nội đồng ở xã Toàn Thắng (Gia Lộc) là một trong số ít các công trình ở Gia Lộc hoàn thành theo kế hoạch

Năm 2017, HĐND tỉnh chấp thuận cho các địa phương thu hồi 1.346 ha đất để thực hiện 888 dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. HĐND tỉnh cũng cho phép chuyển mục đích sử dụng 1.001 ha đất trồng lúa, 2,3 ha đất rừng phòng hộ và gần 20,8 ha đất rừng đặc dụng để thực hiện 731 dự án, công trình có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn. Tính đến cuối năm2017, các địa phương trong tỉnh mới thực hiện được 55% số công trình, dự án và 44% diện tích đất được HĐND chấp thuận.

Như vậy, kết quả thực hiện kế hoạch SDĐ không đạt yêu cầu đề ra. Điều đáng quan tâm là thực trạng này đã kéo dài nhiều năm nay, ảnh hưởng rất lớn tới tính hiệu quả của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Trần Văn Hà, Trưởng Phòng Nghiệp vụ quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường), việc lập kế hoạch SDĐ và đề nghị chấp thuận thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích để thực hiện các dự án, công trình của các địa phương chưa sát với thực tế đầu tư, chưa sát với chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều dự án, công trình khi triển khai không phù hợp, làm xong lại phát sinh các công trình mới. Nhiều địa phương chưa bố trí được nguồn vốn, không xác định được năng lực của nhà đầu tư nhưng vẫn đăng ký nhu cầu SDĐ cao. Các sở, ngành, địa phương đề xuất danh mục công trình, đề án SDĐ theo kiểu giữ chỗ, chiếm đất với tâm lý “thừa hơn thiếu” dẫn đến nhiều dự án, công trình không đủ điều kiện thực hiện. Một số địa phương còn đề xuất dự án theo yêu cầu của các nhà đầu tư nên tính khả thi không cao, không thực hiện được theo kế hoạch. Việc phê duyệt, chấp thuận danh mục dự án, chương trình SDĐ hằng năm của các cơ quan có thẩm quyền vẫn còn tâm lý nể nang, dễ dãi, tính phản biện không cao.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Đất đai 2013, những dự án nhận chuyển nhượng quyền SDĐ, nhà đầu tư phải thỏa thuận với người SDĐ là các hộ gia đình, cá nhân đang sản xuất trên diện tích đất trồng lúa đạt hiệu quả cao. Nhiều trường hợp chủ đầu tư không thể thỏa thuận do chủ SDĐ đòi giá quá cao dẫn đến việc thu hồi đất gặp khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện kế hoạch SDĐ đã được phê duyệt.

VỊ THỦY - THÀNH LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực hiện kế hoạch sử dụng đất đạt thấp, vì sao?