Chỉ còn chừng chục ngày nữa là chúng ta bước vào kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần. Với những người đi làm xa, đây có lẽ là thời điểm nôn nao nhất một niềm khao khát đoàn tụ với gia đình.
Nhưng Tết năm nay, khi đại dịch vẫn đang bủa vây, ở lại nơi đất khách quê người hay về quê ăn Tết vẫn là niềm trăn trở của không ít người lao động.
Ăn Tết bên gia đình là truyền thống văn hoá đã thấm sâu vào dòng máu của mỗi người con đất Việt. Một cái Tết đoàn viên bên người thân, họ hàng, làng xóm càng trở nên quý giá với những người phải sống xa quê. Tết là dịp để các thế hệ sau kết nối, tri ân, nhớ về nguồn cội, tổ tiên, dòng tộc, là dịp để báo hiếu mẹ cha, trao yêu thương tới người thân, họ hàng. Tết còn là kỳ nghỉ tiếp thêm động lực, xốc lại tinh thần với người lao động sau một năm vất vả giữa những bộn bề khó khăn của đại dịch…
Dịch COVID-19 đã bước sang năm thứ ba và là năm chúng ta gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề, sâu rộng nhất. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã phải đóng cửa, người lao động mất việc, giảm thu nhập, không ít người còn trải qua những khoảng thời gian bị cách ly, giãn cách xã hội, với cảm giác rất tù túng, bức bối. Tâm lý chung của người lao động nhập cư là muốn về quê sum họp, đón Tết với gia đình sau cả năm dài.
Thế nhưng, những ngày qua, dư luận xã hội không khỏi băn khoăn với việc một số địa phương công bố những “thư ngỏ” kêu gọi con dân mình không về quê ăn Tết để tránh làm lây lan dịch bệnh. Cụ thể, thành phố Thanh Hóa đã có thư ngỏ với nội dung khuyến cáo người dân không về quê dịp Tết Nhâm Dần nếu không thực sự cần thiết, chung tay cùng thành phố phòng chống dịch. Tháng trước, tỉnh Vĩnh Phúc ra công văn kêu gọi các gia đình vận động người thân đang học tập, làm việc xa quê hạn chế trở về tỉnh cả dịp Tết dương lịch lẫn Tết Nguyên đán. Chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị các địa phương vận động người thân đang sinh sống, làm việc ở nơi có dịch không trở về tỉnh "khi không thật sự cần thiết"...
Một số địa phương khác thì đặt ra những yêu cầu “làm khó” người về quê ăn Tết. Bắc Giang khuyến khích doanh nghiệp rút ngắn thời gian nghỉ Tết âm lịch, giữ chân công nhân ở lại, không về quê! Tết năm nay, người lao động được nghỉ 9 ngày, nhưng một số tỉnh như Quảng Trị yêu cầu người tiêm đủ vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trở về từ "vùng cam" cách ly tại nhà tối thiểu 7 ngày và tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Hưng Yên yêu cầu người từ địa phương khác về quê ăn Tết phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ hoặc test nhanh ngay khi về đến địa phương, người đã tiêm đủ hai mũi cũng phải tự cách ly 7 ngày. Tỉnh Hà Nam thực hiện cách ly y tế với người đến từ vùng dịch cấp độ 4 hoặc vùng đang cách ly y tế..v.v…
Sự lo lắng của các địa phương cũng là điều dễ hiểu, khi dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp. Hằng ngày, tổng số ca nhiễm của cả nước liên tục ở mức trên 15.000 ca; hàng loạt tỉnh, thành phố ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 3 con số, Hà Nội ghi nhận hàng nghìn ca mắc mỗi ngày.
Biết là thế, nhưng những lá “thư ngỏ”, những yêu cầu “làm khó” như vậy đã gây không ít nỗi niềm trong dư luận xã hội. Về quê đón Tết là nhu cầu rất chính đáng của mỗi người con phải rời quê hương, phiêu bạt xứ người. Họ có thể là những ông bố bà mẹ để lại những đứa con ở quê nghèo để đi làm ăn xa, là những người con cả năm không một ngày chăm sóc được mẹ cha vì còn mải tìm kế sinh nhai… Một năm dịch bệnh hoành hành, cũng là một năm họ khó có cơ hội đoàn tụ, thăm nom gia đình, giải quyết việc nhà, và dịp cuối năm này luôn là khoảng thời gian được trông đợi nhất cho một cái Tết đoàn viên.
Vì thế, những lời kêu gọi hạn chế về quê vô hình chung có thể khiến dư luận liên tưởng đến sự vô cảm của chính quyền đối với nỗi nhọc nhằn của lao động xa quê, làm tổn thương cũng như gây khó khăn cho họ. Mặt khác, nó có thể gây tâm lý kỳ thị người ở xa về với cộng đồng ở địa phương. Sự việc mới xảy ra tại xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá đã gây tâm lý bất bình trong dư luận khi chính quyền địa phương cho khoá cổng nhà của gần 30 hộ dân có người ở ngoại tỉnh về quê ăn Tết “để phòng dịch”.
Hiện nay, các tỉnh, thành phố trên cả nước ta đã đạt độ bao phủ vaccine cao, Chính phủ chủ trương chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Vì thế, những quy định phòng chống dịch của các địa phương cũng cần linh hoạt, trên tinh thần bảo đảm an toàn nhưng vẫn phải tôn trọng, hỗ trợ những nhu cầu chính đáng của người dân. Không thể vì lý do sợ “toang” mà áp đặt các biện pháp hạn chế khiến người dân đành phải dằn lòng ở lại nơi xứ người.
Việc tạo điều kiện cho người dân về quê trong dịp Tết Nguyên đán cũng là chủ trương rõ ràng của Chính phủ ta khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu ngành giao thông phải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, không để xảy ra tình trạng không được về quê ăn Tết do không có tàu, xe. Những lời kêu gọi hạn chế người về quê hay “lập chốt”, “khoá cửa” là trái với Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Thiết nghĩ, thay vì viết “thư ngỏ kêu gọi”, hay những quy định “làm khó” người dân, chính quyền các địa phương có thể xây dựng những thông điệp tích cực hơn như “đón Tết an toàn”. Thay vì vận động “không về quê ăn Tết”, chúng ta nên yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, trong đó có quy định 5K.
Mặt khác, người đi lao động, công tác, học tập ở các vùng dịch khi trở về quê nhà, hơn bao giờ hết cũng cần ý thức được trách nhiệm của bản thân. Họ phải tự bảo đảm rằng mình trở về chỉ mang theo tình cảm sâu nặng với quê hương cùng những món quà Tết, chứ không phải mang theo virus.
Hành trình về quê ăn Tết năm nay có lẽ là một hành trình nhiều cảm xúc nhất với không ít người con đất Việt, và đó nên là một hành trình an toàn, để quê hương có thể đón họ trở về trong vòng tay tin tưởng và yêu thương.
Theo báo Tin tức