Chẳng những không giảm cân như kỳ vọng khi quyết định ăn khoai lang để cải thiện vóc dáng, Quang Hiếu tăng cân chỉ sau một tuần.
Gần đây, Quang Hiếu (23 tuổi, Hà Nội) thường bị cha mẹ phàn nàn vì ngoại hình tròn trịa hơn trước. Anh cũng nhận thấy từ khi đi làm công việc văn phòng, thường xuyên phải ngồi nhiều, ít vận động, khiến cơ thể cũng "phát tướng" hơn.
Ăn khoai lang thay cơm
Hiếu nghe bạn bè mách cách ăn khoai lang thay cơm để giảm cân nên cũng thử áp dụng. Tuy nhiên, sau một tuần theo chế độ ăn này, cân nặng của Hiếu không giảm, thậm chí tăng thêm một kg.
"Tôi chỉ nghe giảm cân bằng khoai lang chứ không tìm hiểu kỹ. Tôi nghĩ cứ ăn khoai lang là được nên ăn lượng khá nhiều, mỗi bữa 2 củ khoai lang lớn, nặng khoảng 500 gr. Thỉnh thoảng, tôi cũng ăn cả loại khoai mật nướng vì thấy mềm và ngọt hơn các loại khác", Quang Hiếu kể.
Sau khi tìm hiểu, anh biết rằng ăn quá nhiều loại thực phẩm này và ăn khoai mật nướng chính là nguyên nhân gây tăng cân. Vì vậy, Quang Hiếu quyết định giảm cân bằng cách giảm lượng tinh bột trong thực đơn. Thay vì ăn 3 bát cơm đầy như trước, anh chỉ ăn từ 1,5 đến 2 bát mỗi bữa và kết hợp ăn nhiều rau xanh, uống nước ép cần tây để tránh nạp quá nhiều năng lượng.
Thùy Trinh (24 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng không hài lòng với cân nặng của mình. Cô tăng 3 kg chỉ sau 2 tuần ăn uống "thả ga", những bộ đồ ôm sát thường diện lộ ra nhiều mỡ thừa khiến cô tự ti.
"Một đồng nghiệp của tôi giảm cân khá thành công bằng chế độ ăn nhiều rau, thịt nạc, khoai lang nên tôi cũng thử thay đổi thực đơn bằng cách này. Những ngày đầu ăn theo chế độ này, tôi thấy khá dễ chịu, không bị đói. Sau một tuần, tôi giảm được một kg", Linh chia sẻ.
Tiếp tục "thừa thắng xông lên", cô gái 24 tuổi duy trì ăn theo chế độ ăn trên, nhưng không ăn cơm khiến cô thấy "nhớ" hương vị của cơm. Hai tuần tiếp theo, Thùy Trinh giảm thêm được một kg.
Ngoài thay phần cơm trắng bằng khoai lang, thực đơn của cô cũng hạn chế dầu mỡ, gia vị, phần thịt chủ yếu là thịt thăn lợn, thịt bò, ức gà, tôm...
"Là một người thích ăn uống nhưng không được ăn cơm và hạn chế gia vị khiến tôi cảm thấy gò bó. Đặc biệt, mỗi lần bạn bè, đồng nghiệp rủ đi ăn món gì đó ngon hơn, tôi phải kiềm chế rất nhiều", Thùy Trinh nói.
Sau gần một tháng quyết tâm giảm cân, cô đành từ bỏ chế độ ăn này vì ngán và thèm cơm. Tuy nhiên, cô vẫn cố gắng hạn chế chất béo, nước ngọt hay không ăn quá nhiều tinh bột để tránh tăng cân trở lại.
Một khảo sát nhỏ trên fanpage về tập luyện có 42.000 người theo dõi, có 30/39 người cho rằng chọn khoai lang trong chế độ giảm cân vì giàu chất xơ, tăng cảm giác no lâu, hạn chế sự thèm ăn. Bên cạnh đó, khoai lang là thực phẩm chứa ít tinh bột hơn cơm trắng hay khoai tây.
Một số người cũng giải thích thêm khoai lang có chỉ số đường huyết tương đối thấp do cung cấp loại tinh bột phức tạp và hàm lượng chất xơ dồi dào.
Vì sao ăn khoai lang giúp giảm cân?
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết yếu tố quan trọng nhất trong việc tăng, giảm cân vẫn là sự cân bằng về tổng năng lượng. Cụ thể, mức năng lượng nạp vào phải nhỏ hơn mức năng lượng tiêu thụ.
Mục tiêu tăng cân hay giảm cân, thực đơn của mỗi người cũng nên đủ 4 nhóm chất: Bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
"Khoai lang đóng vai trò là nguồn bột đường trong thực đơn. Điều quan trọng không phải bạn ăn gì mà là lượng bao nhiêu. Dù ăn khoai lang hay cơm trắng, chúng ta vẫn có thể giảm cân nếu tuân thủ quy tắc trên", bác sĩ Trọng Hưng nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng khoai lang có một số ưu điểm để người dân lựa chọn khi muốn cải thiện vóc dáng là chứa lượng tinh bột ít hơn cơm trắng. Loại thực phẩm này cũng có lượng chất xơ cao. 100 gr khoai lang có chứa khoảng 3,3 gr chất xơ. Chất xơ trong khoai lang có tác dụng hấp thụ nước và tăng cảm giác no. Việc tiêu thụ khoai lang sẽ dẫn đến lượng chất xơ cao hơn, giúp giảm cân hiệu quả.
Vị chuyên gia này lưu ý người dân khi chế biến khoai lang để giảm cân nên chọn khoai lang trắng để luộc hoặc hấp. Cách chế biến nướng hay chiên rán sẽ có lượng calo cao hơn, giảm hiệu quả giảm cân.
Ông cũng nhấn mạnh khoai lang tốt cho quá trình kiểm soát cân nặng nhưng người dân không nên thay thế cho lương thực chính. Điều này có thể gây mất cân bằng dinh dưỡng. Việc chọn lựa và phối hợp thực phẩm một cách khoa học giúp cung cấp đầy đủ nhất các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, không bị dư hoặc thiếu hụt.
"Tôi từng gặp trường hợp ăn khoai lang thay cơm trong thời gian dài đến mức vàng da. Họ lo lắng không biết mắc bệnh gì nhưng đây là do dư thừa chất betacarotene (chất được tạo ra khi nhiều thực phẩm như khoai lang, cà rốt, bí đỏ...). Đây không phải là tình trạng ngộ độc. Tuy nhiên, nếu gặp tình trạng này, người dân cũng cần ngưng ăn các loại củ, quả màu vàng cam một thời gian", bác sĩ Hưng nói.
Bác sĩ Hưng cho hay thời điểm thích hợp ăn khoai lang tốt nhất là vào bữa trưa. Dùng thực phẩm này vào bữa tối có thể gây chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, mất ngủ, đặc biệt với người hệ tiêu hóa kém.
Theo VTC News