Nơi tôi đứng hôm nay, ngày xưa từng là một bến thuyền. Ngày ấy, cái bến nhộn nhịp thuyền bè vào ra, chở đủ thứ, nào cát đá xây dựng, nào gạo muối hoa quả và nhiều thứ khác từ mọi miền đổ về.
Nơi tôi đứng hôm nay, ngày xưa từng là một bến thuyền. Ngày ấy, cái bến nhộn nhịp thuyền bè vào ra, chở đủ thứ, nào cát đá xây dựng, nào gạo muối hoa quả và nhiều thứ khác từ mọi miền đổ về. Ở đây không chỉ có những chiếc thuyền "đinh" to như ngôi nhà ngói năm gian mà còn có những chiếc thuyền nhỏ của dân chài lưới khiêm nhường. Mùa lũ nước ngập mênh mông. Trông sang bờ bên kia, cánh đồng mù mịt xa xăm một màu trắng xóa. Từng con sóng lớn xô vào kè bê tông mong manh muốn vỡ. Người lớn ai cũng mệt. Họ phải lo chống lụt, chỉ có lũ trẻ chúng tôi là vui thích. Những đứa bạo gan trèo lên cây sung già cạnh bờ, ra những cành xa nhất, nhảy xuống, nước bắn tung tóe. Mỗi lần như thế tiếng la mắng lại vang lên. Những âm thanh ấy trở nên quen thuộc gần gũi với mọi người nơi đây từ thuở lọt lòng. Cuối chiều, bất kể đông hay hè, khi chuông nhà thờ thăm thẳm ngân vang là lúc người trong phố đổ ra nghìn nghịt để tắm rửa, giặt giũ. Rồi gánh nước về bổ sung vào nguồn nước máy hạn hẹp. Con sông lúc nào cũng đẹp, cũng có ích cho người. Chỉ cần vớt chút nước vã lên mặt là bao nhiêu ưu phiền lo lắng như tan biến.
Ruộng lúa bên kia sông chỉ cấy được một vụ. Mùa đông nước cạn, phù sa phơi mình lớp lớp. Dạo ấy lúa phải cấy xong trước Tết, rét chết cò vẫn phải làm. Nhà tôi ở phố nhưng cũng có vài sào. Mẹ tôi chân lội bùn, tay cấy mạ. Bùn lấm từ gót chân đến cổ tay mẹ. Tôi ngồi chầu hẫu trên bờ co ro, chờ sai vặt. Sau này tôi nghĩ đó đâu phải là những kỷ niệm sâu sắc của tuổi ấu thơ. Thế mà chẳng hiểu vì sao nó cứ ám ảnh tôi suốt mấy chục năm qua.
Từng được nghe: "Ngũ bách niên thương hải tang điền", hóa ra chẳng có gì là bất biến. Mới qua ba chục năm thôi mà con sông đã đổi thay đến kinh ngạc, diệu kỳ. Người ta đắp chặn hai đầu, mở lối khác cho sông đi, tránh lũ lụt hằng năm. Giờ nó thành cái hồ dài nằm cạnh con đường đẹp nhất thành phố, phố Bạch Đằng. Phía bên kia, ruộng lúa trở thành khu dân cư đông đúc, đường ngang lối dọc trải nhựa bóng loáng, thênh thang. Trời trở gió, hơi thở của mùa đông đã đến, cũng là lúc vào mùa lá rụng. Những cành cây đã trụi hết lá gầy guộc. Mùi đồng quê ngai ngái như còn luẩn quẩn quanh đây. Những ngôi nhà cao thấp đẫm mình trong sương. Cũng bởi mấy ngày nay mưa phùn rả rích. Giờ mưa đã thôi rơi. Ông mặt trời dậy muộn, cố xua tan từng dải sương mù. Những tia nắng xuyên qua như chiếc kim vàng lóng lánh được ai đó ném vào đêm. Cái nắng mùa đông không làm ai sợ nữa. Con sông quê tôi không có lịch sử oai hùng như Bạch Đằng Giang, cũng không có địa danh nào ghi dấu son như Tây Kết, Chương Dương... Nhưng lại có những con người chịu thương, chịu khó, có những con người làm nên những địa danh bất tử đó.
Chiều nay, như bao chiều khác, tôi ngồi rất lâu trên chiếc ghế đá, nhìn ra sông. Có một căn nhà bên kia đang tỏa khói. Những sợi khói nhanh chóng tan vào hư không. Tán cây chênh chếch còn sót lại sau mùa lá đổ như cố phủ bóng. Mấy chú bé nhảy lò cò theo đốm nắng.
Năm tháng qua đi, trong lòng mỗi người dân thành phố xa quê vẫn ước một lần được trở về soi mình xuống mặt sông, thấy lại dáng hình của mình tóc xanh mà mượt. Thuở mười tám đôi mươi với nhiều háo hức. Vẫn biết thời gian không trở lại, vậy mà vẫn mơ vẫn ước.
NGUYỄN SỸ ĐOÀN