Đời sống văn hóa

Ký ức sông quêBài 1: Chu Đậu - bến thuyền đỗ kể chuyện đời gốm

BẢO ANH 10/02/2024 15:00

Nhân dịp đón xuân mới, từ hôm nay, báo điện tử Hải Dương giới thiệu chuyên đề về dòng sông khát vọng lấy cảm hứng từ đặc trưng sông nước của xứ Đông với 3 trường đoạn: Ký ức sông quê, Dòng sông dậy sóng Khơi dòng phát triển.

ong-thang.jpg
Ông Nguyễn Văn Thăng cho rằng từng có một bến thuyền thu mua gốm trên sông Thái Bình

Trường đoạn Ký sức sông quê gồm các bài: Chu Đậu-bến thuyền đỗ kể chuyện đời gốm, Đôi bờ... tình yêu, Dạt dào nỗi nhớ, Đằm vải thiều giữa vấn vít dòng Thơm.

Chu Đậu - bến thuyền đỗ năm xưa bên tả ngạn sông Thái Bình có thể là một dấu tích lịch sử quan trọng của một dòng gốm quý.

Câu chuyện con tàu chứa hàng trăm nghìn đồ gốm cổ Chu Đậu được phát hiện và khai quật ở Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam) cách đây 26 năm như chạm vào đam mê của ông Nguyễn Văn Thăng (90 tuổi), ham tìm hiểu gốm Chu Đậu ở xã Thái Tân (Nam Sách). Mở những bức ảnh, tư liệu cũ được ghi chép, gìn giữ cẩn thận nhiều năm qua, ông Thăng giới thiệu về hành trình phát hiện thánh địa gốm ở Nam Sách.

Năm 1986, những lò gốm cổ ở Chu Đậu như “nàng công chúa xinh đẹp có giấc ngủ trăm năm trong lòng đất" đã được đánh thức. Các nhà khảo cổ phát hiện dấu tích của những lò nung chuyên sản xuất gốm với những dòng men quý như men ngọc, hoa lam, men trắng…

img_0070.jpg
Khu đất ở thôn Chu Đậu từng được các nhà khảo cổ khai quật, phát hiện nhiều cổ vật gốm

Khi "thánh địa" gốm thức giấc, người ta mới biết đất Chu Đậu từng có những xưởng sản xuất gốm lớn, sầm uất.

Ông Thăng dẫn chúng tôi lên đê tả sông Thái Bình. Hướng tầm mắt về phía bãi bồi cạnh làng, ông Thăng cho biết: “Theo cắt nghĩa tiếng Hán, Chu Đậu là bến thuyền đỗ".

song-ke-8207a197f6dcadec4d06e7b1a2288169(1).jpg
Khu đất gần đê, theo ông Thăng từng là nơi tồn tại con sông Kè kết nối các xưởng gốm Chu Đậu với thuyền buôn neo trên sông Thái Bình

Để có thể đưa gốm từ làng Chu Đậu đi xa rất có thể trên sông Thái Bình, gần các công xưởng gốm của làng từng có bến đỗ lấy hàng, điểm xuất phát của nhiều thuyền buôn gốm. Tên Chu Đậu (bến thuyền đỗ) cũng có thể hình thành từ đó.

Theo nhận định của nhà sử học Tăng Bá Hoành, một trong những người từng dẫn nhiều đoàn khảo cổ về khai phá lòng đất Chu Đậu thì gốm dễ vỡ nên vận chuyển bằng đường sông an toàn nhất. Làng mạc ở Hải Dương xưa kia cũng thường được bao bọc bởi những lũy tre và các con sông. Vì thế cũng dễ hiểu hàng trăm năm trước, làng Chu Đậu được kết nối với sông lớn Thái Bình bằng những nhánh sông nhỏ quanh làng. Gốm được chuyên chở bằng thuyền nhỏ ra các thuyền buôn đỗ gần sông Thái Bình.

Theo tài liệu ghi chép của một số làng ở xã Thái Tân, gần 3 làng Uông Thượng, Mỹ Xá, Chu Đậu ngày nay đã từng tồn tại một thương cảng nhỏ - bến đỗ của các thuyền buôn đưa gốm Chu Đậu đi xa. Sông Thái Bình rộng lớn khi đó cũng chính là con đường dẫn gốm Chu Đậu lên kinh thành Thăng Long và vươn khơi đến nhiều vùng đất mới.

ben-chu-chang-2.png
Vở chèo "Kỳ nữ Hải Đông" do Nhà hát Chèo Hải Dương thực hiện đã tôn vinh tài năng, nhân cách, chí hướng bà Bùi Thị Hý gắn với nhiều câu chuyện thú vị ở làng Chu Đậu (Ảnh cắt từ clip)

Cùng nhận định với nhà sử học Tăng Bá Hoành, ông Nguyễn Văn Thăng cho rằng sông Kè xanh mát quanh năm, uốn lượn quanh làng chính là mạch nguồn kết nối giữa lò gốm với các thuyền buôn lớn ngoài sông Thái Bình. “Những trận lũ lịch sử, những thay đổi về địa chất khiến sông Kè không còn nữa nhưng tôi được nghe kể lại thì xa xưa từ các xóm nhỏ ở Chu Đậu, từng đoàn thuyền nhỏ nối đuôi nhau lướt êm ái trên sông Kè chuyển gốm ra các thuyền lớn của lái buôn chờ sẵn ngoài sông Thái Bình, rồi đưa hàng đi muôn nơi. Một số mảnh vỡ gốm cũng được tìm thấy nơi con sông Kè xưa kia", ông Thăng cho biết.

img_9341.jpg
Nghệ nhân Hạ Bá Định truyền nghề làm gốm Chu Đậu cho các học trò (ảnh tư liệu)

Không biết thương nhân Bùi Thị Hý - bà tổ của gốm Chu Đậu dẫn thương thuyền chở gốm vượt biển khơi bao nhiêu lần nhưng theo thống kê gần đây của Công ty CP Gốm Chu đậu (thành viên của Tập đoàn BRG) cho thấy gốm Chu Đậu đã được trân trọng bảo quản và trưng bày ở 46 bảo tàng nổi tiếng tại 32 quốc gia trên thế giới, trong đó có thủ đô Tokyo (Nhật Bản), TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và TP New York (Mỹ). Bình gốm hoa lam cũng được coi là một trong 4 quốc bảo của Thổ Nhĩ Kỳ. Những minh chứng này đủ thấy từ Chu Đậu, dòng gốm cao cấp của Việt Nam có từ thế kỷ 12 đã có hành trình vươn xa như thế nào.

img_9326.jpg
Nghề gốm Chu Đậu đang được hồi sinh dưới bàn tay của nhiều nghệ nhân trẻ

Kỳ sau: Đôi bờ... tình yêu

BẢO ANH
(0) Bình luận
Ký ức sông quê Bài 1: Chu Đậu - bến thuyền đỗ kể chuyện đời gốm