Đời sống

Ký ức sông quê: Bài 3 - Dạt dào nỗi nhớ

TIẾN MẠNH - NGỌC THỦY - HẠNH DUYÊN 12/02/2024 15:00

Dòng sông quê hương là nơi chất chứa những kỷ niệm, ký ức đẹp đẽ về một thuở thiếu thời của biết bao người. Gió sông quê vẫn thổi dạt dào nỗi nhớ dù người quê nay đã đi xa...

z4995772153452_16f9b89ae638d944767e5b3924d85a93.jpg
Cầu Cờ bắc qua dòng sông cùng tên nối hai xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) và Hoàng Diệu (Gia Lộc)

Trưa hè trốn ngủ, nhảy cầu tắm sông

Thuở nhỏ, nhà tôi ở gần cầu Cờ bắc ngang dòng sông cùng tên nối đôi bờ hai xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) và Hoàng Diệu (Gia Lộc). Trong ký ức của tôi và lũ bạn lớn lên sau luỹ tre làng, nơi này như một thiên đường vui chơi mỗi khi hè về.

Ngày trước, chúng tôi được nghỉ trọn 3 tháng hè đúng nghĩa, không phải bận học thêm như trẻ em bây giờ. Đây là khoảng thời gian tôi và lũ bạn được rong chơi thoả thích. Ngoại trừ thời gian phải đi chăn trâu, cắt cỏ, giúp đỡ cha mẹ việc đồng áng, việc nhà thì gần như lúc nào tôi và lũ bạn cũng rủ nhau chơi đủ thứ trò như trốn tìm, đánh khăng, chơi chuyền, quay cù, nhảy dây, búng nịt, bắn bi... Thế nhưng, thú vui hấp dẫn lũ trẻ chúng tôi không gì sánh bằng là nhảy cầu tắm sông.

Sông Cờ nước chảy êm đềm, trong mát, không quá sâu, mặt nước cách thành cầu chỉ 3-4 m. Vào những ngày hè oi ả, chỉ đợi đến khi bố mẹ say giấc ngủ trưa là chúng tôi sẽ trốn ra đây tắm. Cả lũ ở trần, đứng trên thành cầu hò hét một tiếng lấy khí thế rồi lần lượt nhảy xuống dòng sông trong mát. Cú nhảy đầu tiên bao giờ cũng là sướng nhất, cảm giác mát lạnh đến tê người. Sau mỗi cú nhảy "chìm nghỉm", mặt nước nổi bong bóng trắng xoá, tiếng cười đùa vui vẻ vang khắp một khúc sông quê.

Chán nhảy cầu, chúng tôi lại chia bè thi bơi, chơi trò đuổi bắt hoặc dùng quả bưởi non thi xem ai ném xa nhất dưới sông. Mấy trò này thì lúc nào cũng sôi động bởi sự cổ vũ hết mình của “đồng đội" dưới nước và cả những đứa nhỏ chưa biết bơi đứng trên bờ hoặc chỉ dám lội nghịch nước ven chân cầu. Gần như ngày nào cũng tắm sông mà chúng tôi không hề biết chán.

Đánh dậm, mò trai

z4995784455525_0c798fe250b8e455ee7119925fe58eb0.jpg
Đánh dậm trên sông giờ đã trở thành ký ức của nhiều người (ảnh minh hoạ)

Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn nên tôi và lũ bạn cùng làng đều biết đánh dậm từ sớm. Lên lớp 8, chúng tôi đã đi đánh dậm khắp nơi, phụ giúp bố mẹ kiếm tôm, cua, cá làm thức ăn hằng ngày cho gia đình. Sông Sồi (một dòng sông nội đồng) chảy qua hai huyện Tứ Kỳ và Gia Lộc là nơi chúng tôi ưa thích đánh dậm. Ngày trước, sông này rất nhiều tôm, cua. Cứ vào ngày con nước cạn hoặc khi lũ về nước ngập đến mép bờ là chúng tôi lại rủ nhau vác dậm ra đánh. Khác với trong đồng, đánh dậm ngoài sông chủ yếu để bắt tôm, cua và cũng chỉ đánh ở ven bờ vì ra ngoài xa nước sâu. Chúng tôi thường thả dậm vào những khoảng nước có nhiều rong, rêu, bèo, cỏ là nơi tôm, cua thích trú ngụ. Khác với động tác đánh dậm bắt cá trong đồng phải nhanh, dứt khoát thì đánh dậm bắt cua, tôm ngoài bờ sông phải chậm và nhẹ nhàng. Chỉ cần đi 2-3 tiếng là tôm, cua đã đầy giỏ.

Trên dòng sông ấy, lũ trẻ chúng tôi còn hay ngụp lặn mò trai. Vào ngày hè, tôi và lũ bạn bơi ra gần giữa dòng. Gọi là mò chứ thực ra chủ yếu là dùng hai chân. Nước sông sâu ngập đến cổ, chúng tôi ngửa mặt lên trời, cầm tay nhau đi theo hàng lối. Đi tới đâu, đôi chân gạt bùn đến đó, nếu thấy kềnh kệnh sẽ hít một hơi thật sâu rồi lặn xuống đáy dùng tay móc con trai lên. Có lần, mấy đứa chúng tôi bị trượt chân xuống hố sâu, may mà đứa nào cũng biết bơi.

Lớn thêm vài tuổi, cũng trên sông Sồi, chúng tôi còn học người lớn cách bắt tép bằng dỉu (có nơi gọi là dui), rải lưới bắt cá...

Với chúng tôi, dòng sông quê hương là nơi đong đầy kỷ niệm, nơi vui đùa và gắn kết tình bạn thuở thiếu thời.

Ngày lũ về

Trước đây, nhà tôi ở một khu vực ngoài bãi, cạnh dòng sông Kinh Thầy. Cả xóm nhỏ chỉ có vài chục nóc nhà.

Ai cũng tận dụng nguồn nước tự nhiên từ sông để đào ao thả cá. Ngày đó, một buổi bọn trẻ con xóm tôi đi học, một buổi rủ nhau ra đồng cắt cỏ cho cá ăn. Cũng nhờ ao cá mà đời sống của nhiều gia đình được cải thiện.

Nhưng khoảng từ tháng bảy âm lịch trở đi, nước sông thường dâng cao, tràn vào ao, vào nhà. Thời gian đó, tất cả các nhà đều trong tình trạng “sẵn sàng chiến đấu”. Nhà nào cũng sắm hàng chục mét lưới, mua hàng trăm viên gạch hoặc đóng bao dứa cát, đất để phòng sẵn khi nước dâng cao là có sẵn đồ để quây bờ ao. Tôi còn nhớ, có những đêm đang ngủ ngon nghe thấy tiếng bố mẹ gọi hàng xóm, báo nước lũ về. Thế là cả xóm bật đèn sáng trưng để quây lưới, đắp đất, be bờ ao. Trẻ con choai choai như chúng tôi đều phải xắn quần xắn áo phụ giúp bố mẹ. Nhà nào đông người làm xong sớm thì sang giúp nhà hàng xóm neo người. Một năm kiểu gì cũng vài trận “đắp đập be bờ”, quây hàng rào như vậy.

Nhưng có những ngày nước lên bất chợt mà bố mẹ tôi và mấy nhà hàng xóm đều không có nhà. Mấy anh em tôi chỉ biết đứng trong bậu cửa nhìn nước lên. Nước lũ tràn vào ao và rút đi nhanh chóng trong khi chưa kịp che chắn. Nước rút, cá trong ao cũng bơi theo dòng nước lũ. Bao tiền của, công sức của bố mẹ trôi theo dòng nước. Những ngày đó, khi về, mẹ tôi ngẩn ngơ, chỉ biết thở dài...

Những bè rau muống ngoi sông

raumuong.jpg
Ngày trước, hầu như nhà nào ở xóm tôi cũng thả vài bè rau muống để lấy rau ăn (ảnh minh họa)

Rau muống là thứ rau dân dã, quen thuộc với mọi người nhưng tôi nhớ mãi món rau muống bè quê tôi.

Rau thả bè là giống rau muống đỏ. Xóm tôi cạnh sông nên hầu như nhà nào cũng thả một vài bè rau như thế. Mẹ tôi thường chọn những cọng rau già, cằn cỗi để làm giống. Sau khi được ủ sơ vài ngày cho rụng hết lá là mẹ tôi mang rau ra rìa sông thả và buộc cố định bằng cây tre, nứa nhỏ. Trồng rau muống bè rất nhàn, không phải lo chuyện tưới nước, bón phân. Thả rau xuống để đó, khoảng 1 tháng sau ra xem là những bè rau đã lên xanh tốt, những ngọn rau non xanh mơn mởn. Mỗi khi lũ về hoặc sau khi mưa rào xuống, rau càng non và giòn hơn. Tôi rất thích được đi hái rau bè bởi mỗi lần đi hái rau là một lần được tranh thủ lội sông nghịch ngợm; những cọng rau khi được hái phát ra tiếng tanh tách rất vui tai.

Rau muống đỏ dù luộc hay xào tỏi đều ngon. Món ăn tôi ưa thích nhất là rau muống luộc chấm nước mắm cáy pha tỏi ớt. Những cọng rau luộc chín tới, còn giữ lại độ giòn mang theo vị ngọt quyện cùng nước mắm tỏi cay làm tê tê đầu lưỡi khi nhai khiến tôi nhớ tận tới bây giờ.

Quê tôi giờ công nghiệp phát triển. Bờ sông trở thành các bến bãi phục vụ các nhà máy nên những bè rau muống không còn nữa.

-----------------------

Ký ức sông quê: Bài 4 - Những chuyến đò quê xưa

TIẾN MẠNH - NGỌC THỦY - HẠNH DUYÊN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức sông quê: Bài 3 - Dạt dào nỗi nhớ