Trong số các bang mà đội ngũ của Tổng thống Trump thách thức pháp lý, Pennsylvania có nhiều phiếu đại cử tri nhất và là bang chứng kiến nhiều đơn kiện nhất.
Xuất hiện lần đầu tiên sau gần 3 thập niên tại một tòa án liên bang, ngày 17.11 luật sư Rudy Giuliani của Tổng thống Trump đã đại diện cho phía ông Trump trong vụ kiện nhằm ngăn giới chức bang Pennsylvania xác nhận kết quả.
Những nơi xảy ra "vấn đề ngẫu nhiên" đều là những thành phố lớn do phía Đảng Dân chủ kiểm soát. Đây không phải là sự việc ngoài ý muốn. Chỉ có kẻ ngốc mới nghĩ như vậy.
Ông RUDY GIULIANI (luật sư của ông Trump)
Kiểm phiếu và "mafia"
Ông Giuliani cáo buộc đã xảy ra "gian lận bầu cử trên diện rộng, khắp cả nước" trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay.
Theo báo Los Angeles Times, ông cáo buộc các quan chức bầu cử địa phương tại Pennsylvania là một phần trong "nhóm mafia nhỏ" ngăn các giám sát viên Đảng Cộng hòa theo dõi quá trình kiểm phiếu. Báo New York Daily News chỉ ra "nhóm mafia" mà ông Giuliani nói đến chính là các thành viên Đảng Dân chủ.
Tổng Thư ký Kathy Boockvar của Pennsylvania dự kiến sẽ xác nhận kết quả bầu cử tại bang này vào đầu tuần tới. Điều đó có nghĩa thẩm phán Matthew Brann tại tòa án Pennsylvania phải ra phán quyết nhanh chóng.
Trước đó, ông Dan Urman, giáo sư dạy luật hiến pháp tại Đại học Northeastern (Mỹ), đánh giá "con đường đầy hứa hẹn nhất" dẫn tới kết quả pháp lý mà ông Trump mong đợi hiện nằm ở Pennsylvania, bang có nhiều phiếu đại cử tri nhất (20) trong số các bang mà đội ngũ của ông Trump phát động kiện tụng.
Báo Financial Times ngày 18.11 cho biết kể từ ngày bầu cử (3.11) đến nay, đội ngũ của ông Trump đã nộp đơn kiện tại 5 bang chiến trường gồm Pennsylvania, Michigan, Georgia, Arizona và Nevada. Họ cũng yêu cầu tái kiểm phiếu tại bang Wisconsin nhưng chưa chính thức nộp đơn kiện.
Các đơn kiện được nộp lên cả tòa án liên bang và bang. Các thẩm phán đã bác bỏ một số đơn kiện, nhưng một số đơn kiện đã được chấp thuận và có thể có thêm nhiều đơn kiện được nộp trong những ngày tới.
Nhìn chung, chiến dịch tranh cử của ông Trump và phía Đảng Cộng hòa thách thức tính hợp lệ của phiếu bầu hoặc yêu cầu tái kiểm phiếu. Cử tri ở một số bang cũng nộp đơn kiện độc lập để ủng hộ ông Trump, nhưng một số đơn kiện đã bị rút lại.
Dữ liệu: Tổng hợp từ báo USA Today
Cửa rất hẹp
Hôm 7.11, khi Hãng tin AP và nhiều báo đài Mỹ cho biết ông Joe Biden đã thắng tại bang Pennsylvania và vượt mốc 270 phiếu đại cử tri để thắng cử, chưa đầy nửa giờ sau luật sư Giuliani của ông Trump đã cáo buộc hệ thống bầu cử tại TP Philadelphia của bang này có gian lận.
Đó là dấu hiệu cho thấy dù cánh cửa chiến thắng khép lại về lý thuyết lúc đó, đội ngũ của ông Trump vẫn tiếp tục đưa cuộc chiến tới tòa án phân xử.
Kiện tụng đã kéo dài khoảng nửa tháng qua và chưa có kết quả gì đáng chú ý. Đội ngũ của ông Trump cáo buộc có gian lận trên diện rộng nhưng hiện không cung cấp đủ bằng chứng cho thấy điều đó. Quá trình các đơn kiện được xử lý tại tòa án đã cho thấy con đường gập ghềnh mà phía ông Trump đối mặt.
Chẳng hạn ngày 3.11, chiến dịch tranh cử của ông Trump nộp đơn kiện lên tòa án Philadelphia, bang Pensylvania. Đơn kiện cho rằng các giám sát viên không được đứng đủ gần để theo dõi quá trình kiểm phiếu.
Đến ngày 5.11, một thẩm phán tại tòa phúc thẩm nói rằng các giám sát viên phải có quyền tiếp cận trong phạm vi gần 2 mét. Nhưng đến ngày 17.11, Tòa án tối cao Pennsylvania đã bác đơn kiện này.
Hãng tin AP cho rằng hầu hết đơn kiện của phía ông Trump có "quy mô nhỏ" và "dường như không ảnh hưởng đến nhiều phiếu bầu". Hiện chưa biết chính xác chuyện kiện tụng sẽ đi đến đâu, nhưng có một điều dường như rõ ràng là phía ông Trump muốn chiến đấu tới cùng.
Hãng tin Reuters bình luận: sau khi thua kiện ở Michigan và Georgia, giờ đây nếu thất bại thêm tại Pennsylvania thì điều đó có thể đặt dấu chấm hết cho viễn cảnh thay đổi kết quả bầu cử của ông Trump.
Theo Tuổi trẻ