Lực lượng Nga dự kiến giành thêm bước tiến trên bộ, trong khi Ukraine có thể cải thiện phần nào năng lực tác chiến của không quân trong thời gian tới.
4 tháng đầu năm nay được nhận định là một trong những thời điểm khó khăn nhất của Ukraine trong hơn hai năm xung đột với Nga. Lực lượng vũ trang Ukraine lâm vào thế yếu trên tiền tuyến dài 1.000 km khi viện trợ quân sự từ phương Tây chậm lại, một phần vì giới chức một số quốc gia lo ngại chiến sự leo thang dẫn đến đối đầu trực tiếp với Nga. Khối liên minh phương Tây ủng hộ Ukraine cũng bị phân tâm bởi các điểm nóng xung đột khác, đặc biệt là tại Trung Đông, và bị chia rẽ vì loạt cuộc bầu cử trong nước.
Tận dụng những yếu tố đó, Nga ngày 10/5 mở ra mặt trận mới ở vùng đông bắc Ukraine với chiến dịch tiến công tỉnh Kharkov. Theo Dữ liệu của Viện Nghiên cứu Chiến tranh do AFP tổng hợp, Nga giành 257 km2 lãnh thổ trong giai đoạn ngày 9-15/5 tại Kharkov.
Nga tấn công theo hai mũi chính là nhằm vào Vovchansk để tiến về Kupyansk và nhằm vào làng Liptsy, vị trí mà Nga có thể pháo kích thủ phủ Kharkov, thành phố lớn thứ hai Ukraine. Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết quân đội Nga đã thọc sâu vào biên giới Ukraine 5-10 km trước khi bị lực lượng Ukraine chặn lại.
Ngày 17/5, Tổng thống Putin nói Nga không có kế hoạch kiểm soát thành phố Kharkov mà chiến dịch hiện nay nhằm thiết lập vùng đệm để ngăn các vụ pháo kích qua biên giới. Vùng Belgorod của Nga gần đây thường xuyên hứng chịu các đòn tập kích của Ukraine.
Roman Shumov, nhà sử học Nga chuyên về xung đột và chính trị quốc tế, cho rằng giới chỉ huy Nga có thể coi việc dịch chuyển chiến tuyến sâu vào trong 10-15 km và chiếm Vovchansk là hoàn thành kế hoạch. "Đạt được kết quả như vậy sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho việc lập kế hoạch trong tương lai", Shumov nói.
Phillips O'Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St Andrews ở Scotland, cho rằng ở giai đoạn hiện tại, Nga không có đủ quân số để chiếm được thành phố Kharkov.
Michael Kofman, chuyên gia Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, cũng cho rằng mục đích của Nga không phải là chiếm thủ phủ Kharkov mà là tiến gần hơn đến thành phố này để đe dọa nó bằng pháo binh, nhằm đẩy Ukraine vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. "Kiev phải dàn mỏng quân, đưa lực lượng dự bị và các đơn vị tinh nhuệ đến phòng thủ Kharkov. Trong khi đó, Nga vẫn tập trung vào mục tiêu chính là chiếm phần còn lại của khu vực Donetsk ở miền đông, tìm cách kiểm soát các điểm trung chuyển và trung tâm dân cư quan trọng", ông viết.
Tại chiến trường miền đông, Nga gần đây đạt được nhiều bước tiến nhỏ sau khi kiểm soát Avdeevka và làng Ocheretino ở phía tây bắc thành phố này. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định Nga có thể tiếp tục tiến về phía tây tới thành phố Pokrovsk hoặc hướng về phía bắc để phối hợp với chiến dịch công phá Chasov Yar.
Chasov Yar có dân số hơn 12.000 người trước chiến sự và hiện chỉ còn khoảng 1.000 người. Với địa hình cao hơn khu vực xung quanh, Chasov Yar trở thành điểm tập kết và căn cứ pháo binh tiền phương của quân đội Ukraine. Điều này khiến Nga liên tục tập kích Chasov Yar và gây thiệt hại nặng nề cho thành phố.
Pokrovsk, tên gọi trước là Krasnoarmeysk, nằm cách Avdeevka khoảng 40 km về phía tây bắc, án ngữ ngã ba hướng về thành phố Donetsk và Bakhmut, đồng thời cạnh tuyến đường sắt đi qua Avdeevka. Nếu để mất Pokrovsk, lực lượng Ukraine sẽ để hở sườn phía nam của thành trì Chasov Yar cùng các đô thị lân cận là Kramatorsk và Slavyansk.
Đại tá Pavlo Palisa, chỉ huy Lữ đoàn cơ giới số 93 đang chiến đấu gần Chasov Yar, cho biết ông tin rằng Nga đang chuẩn bị một nỗ lực lớn nhằm phá vỡ phòng tuyến của Ukraine ở phía đông.
Một chỉ huy khác của Ukraine tuần trước cũng dự đoán cuộc chiến sẽ bước vào giai đoạn quan trọng trong hai tháng tới khi Moskva cố gắng khai thác khoảng thời gian khi vũ khí viện trợ Mỹ chưa đến tay Kiev.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, đây sẽ là giai đoạn khó khăn đối với chúng tôi", Palisa nói và dự đoán Nga muốn chiếm toàn bộ khu vực Donbass vào cuối năm nay.
Jack Watling, chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu RUSI có trụ sở ở London, đánh giá rằng giống như chiến dịch Kharkov, lực lượng Nga có thể sẽ tiến hành thêm các cuộc tấn công vào các điểm phía bắc và phía nam của chiến tuyến nhằm dàn mỏng lực lượng Ukraine. "Khi Ukraine điều quân đến những khu vực này để ứng phó, Nga sẽ thực hiện nỗ lực chính là mở rộng kiểm soát ở Donbass", ông viết.
Không quân Ukraine có thể thay đổi đáng kể trong năm nay với khả năng nhận hàng chục tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất. Ukraine tuyên bố F-16 sẽ giúp tăng năng lực phòng không trước tên lửa hành trình và UAV Nga, đồng thời phần nào cứu nguy cho các đơn vị trên tiền tuyến đang bị đối phương oanh tạc liên tục.
Nga gần đây tăng cường sử dụng bom lượn để tấn công vị trí của quân đội Ukraine. Loại vũ khí này cho phép máy bay Nga tung đòn oanh tạc mạnh mẽ ở khoảng cách tương đối an toàn. Tiêm kích F-16 với tên lửa không đối không tầm bắn lên tới 500 km có thể giúp Ukraine hạn chế không quân Nga oanh tạc bằng bom lượn.
Không quân Nga gần đây mất nhiều máy bay, trong đó có những phương tiện hoạt động cách xa tiền tuyến. Các tổn thất này đặt thêm gánh nặng cho số máy bay đang hoạt động và có thể gây ra thách thức cho không quân Nga trong những trận không chiến sắp tới, khi Ukraine nhận tiêm kích F-16.
Tuy nhiên, giới chức Ukraine và một số nước phương Tây nhiều lần thừa nhận lượng nhỏ tiêm kích F-16 không thay đổi được cục diện chiến trường. Ngoài ra, vẫn còn câu hỏi liệu các quốc gia phương Tây có giải quyết được thách thức hậu cần và chính trị để cung cấp lượng lớn tiêm kích cho Ukraine hay không.
Hải quân Ukraine có thể tiếp tục theo đuổi phương án tác chiến phi đối xứng nhằm vào lực lượng Nga. Ukraine không còn chiến hạm cỡ lớn nhưng xuồng tự sát và tên lửa hành trình diệt hạm của họ đang đặt ra vấn đề nghiêm trọng cho Hạm đội Biển Đen Nga.
Mối đe dọa này khiến Nga phải rút các tài sản hải quân giá trị cao khỏi căn cứ truyền thống trên bán đảo Crimea. Ukraine đang tiếp tục phát triển xuồng tự sát và dự kiến tập kích sâu hơn vào vùng biển Nga kiểm soát.
Ukraine đang đàm phán với phương Tây để nhận tàu thuyền mới, trong đó có tàu tuần tra sông do Mỹ chế tạo. Nhưng những con tàu nhỏ này không đủ sức thách thức Hạm đội Biển Đen Nga với quy mô và năng lực tác chiến cao hơn rất nhiều nên nhiệm vụ đó vẫn sẽ do xuồng tự sát thực hiện.
Trong lúc cố thủ trên phòng tuyến, Ukraine sẽ tìm cách làm gián đoạn liên lạc, hậu cần và ngành công nghiệp Nga nhiều nhất có thể bằng các đòn tập kích tầm xa. Những vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào lãnh thổ Nga ngày càng phổ biến. Rất ít dấu hiệu cho thấy Ukraine sẽ giảm bớt tần suất tập kích vào sâu trong nước Nga, dù Mỹ bày tỏ thái độ không hài lòng.
Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) MGM-140 với tầm bắn lên tới 300 km sẽ giúp Ukraine tập kích xa hơn bao giờ hết. Trong số các mục tiêu mà Ukraine được phép tấn công có cầu Crimea, nối bán đảo cùng tên với vùng Karsdonar ở miền nam nước Nga. Công trình này mang tính biểu tượng và là huyết mạch hậu cần của quân đội Nga.
Tuy nhiên, cơ hội tận dụng năng lực của vũ khí mới như tên lửa ATACMS đang dần đóng lại với Ukraine. Ivan Stupak, cựu sĩ quan an ninh đang làm cố vấn cho Ủy ban An ninh, Quốc phòng và Tình báo của quốc hội Ukraine, nhận định "lực lượng Nga có thể thích ứng trong thời gian rất ngắn".
"Chúng tôi có lẽ có tối đa hai tháng để phá hủy càng nhiều mục tiêu quân sự của Nga càng tốt trước khi họ thích ứng", Stupak nói.
TN (theo VnE)