OCOP - Hướng phát triển của HTX

05/04/2022 05:43

Đây là cơ hội tốt để các HTX khẳng định chất lượng sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường.


Sản phẩm thanh long ruột đỏ Đại Uyên đạt OCOP 3 sao của HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng được gắn tem truy xuất sản phẩm

Thời gian qua, một số HTX trên địa bàn tỉnh đã tận dụng được thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng thành công sản phẩm OCOP. 

Khai thác tiềm năng sẵn có

Những năm gần đây, xã Bạch Đằng (Kinh Môn) không ngừng mở rộng diện tích cây thanh long ruột đỏ. So với các loại cây trồng khác, loại cây này phù hợp khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao hơn gấp chục lần cấy lúa. Hiện toàn xã đã có hơn 100 ha trồng thanh long, trong đó có hơn 11 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Trung bình mỗi ha trồng thanh long nông dân thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Đây cũng là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất tỉnh. Năm 2020, HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng đã xây dựng thành công thanh long ruột đỏ Đại Uyên là sản phẩm OCOP 3 sao.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Giám đốc HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng cho biết: "Nhờ được công nhận sản phẩm OCOP, thanh long ruột đỏ của HTX đã có tem truy xuất nguồn gốc, tiêu thụ thuận lợi hơn các sản phẩm cùng loại. HTX cũng là đơn vị duy nhất trong tỉnh được cấp mã số vùng trồng thanh long đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường các nước Úc, Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng là cơ hội để sản phẩm nông nghiệp của địa phương vươn ra thị trường thế giới".


Củ đậu Hưng Tiến của HTX Nông nghiệp Hưng Tiến ở xã Kim Tân (Kim Thành) có giá bán cao hơn khi tham gia chương trình OCOP

Củ đậu là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các xã  khu C ở huyện Kim Thành. Với 40ha trồng củ đậu theo hướng VietGAP, HTX Nông nghiệp Hưng Tiến ở xã Kim Tân (Kim Thành) xây dựng thành sản phẩm OCOP 3 sao. Theo ông Trần Văn Lượng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Tiến, nhờ làm tốt khâu tuyên truyền, vận động nên nông dân tuân thủ nghiêm quy trình trồng, có ghi chép nhật ký cây trồng cụ thể. Sau khi tham gia chương trình OCOP, củ đậu Hưng Tiến đã có chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận, giá bán sản phẩm cao hơn khi chưa tham gia.

Phát huy hiệu quả

Sau hơn 3 năm triển khai, chương trình OCOP đã giúp các HTX khẳng định vai trò dẫn dắt trong phát triển nông nghiệp địa phương. Nhưng số lượng các HTX tham gia chương trình chưa nhiều, ít các sản phẩm OCOP thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản. Hiện toàn tỉnh mới có hơn 20 HTX nông nghiệp có sản phẩm OCOP với sản phẩm chủ yếu là rau, củ, quả tươi chưa qua chế biến. TP Chí Linh là địa phương thành công trong việc hỗ trợ các HTX xây dựng sản phẩm OCOP. Năm 2021, thành phố đã hỗ trợ 8 tổ hợp tác và HTX xây dựng sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao. Ngoài việc hỗ trợ các HTX trong khâu hoàn thiện hồ sơ, bao bì, nhãn mác... thì thành phố còn định hướng tư vấn, quản lý giám sát tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng thương hiệu cho các HTX trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.

Năm 2021, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Lạc (Chí Linh) đã xây dựng thương hiệu OCOP 3 sao cho sản phẩm chuối Đồng Lạc. Năm nay, HTX tiếp tục đăng ký xây dựng sản phẩm cà rốt tươi. Đây đều là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương và mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. "Các HTX cần phải đổi mới, đặc biệt là các HTX nông nghiệp. Để làm được điều đó, các HTX cần khai thác tối đa lợi thế từ nông nghiệp của địa phương, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn để nâng cao chất lượng nông sản", ông Khúc Kim Độ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Lạc nói.

OCOP là cơ hội tốt để các HTX khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Việc triển khai chương trình OCOP đã tạo thêm động lực cho các HTX mạnh dạn đầu tư phát triển các sản phẩm có lợi thế, từng bước nâng cao chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn nhiều thị trường khác nhau gắn với hình thành và phát triển các hình thức sản xuất phù hợp. Việc phân hạng sản phẩm OCOP đã khuyến khích, tạo động lực cho các HTX tham gia chương trình khắc phục những hạn chế, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ, mang lại giá trị kinh tế cao hơn. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh khẳng định, chương trình OCOP không chỉ là cơ hội để các HTX đổi mới hoạt động mà còn giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho HTX và các thành viên. Đây cũng là "sân chơi" kết nối các sản phẩm nông nghiệp mang đặc trưng của địa phương với người tiêu dùng trong cả nước. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ các HTX phát triển, đa dạng hóa sản phẩm để tham gia chương trình OCOP. Bản thân các HTX cũng cần chủ động phát huy nội lực, liên kết để phát triển sản xuất đồng bộ, đẩy mạnh quảng bá và xây dựng thương hiệu, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.

QUYẾT HIỀN

(0) Bình luận
OCOP - Hướng phát triển của HTX