Kinh tế

Khi doanh nghiệp là chủ thể OCOP

PV 05/04/2024 05:15

So với các chủ thể khác, doanh nghiệp tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) có nhiều ưu thế khi thực hiện các tiêu chí của chương trình.

00:00

z5307508512997_90db87e278d4b3627fe34db0173e4f6e.jpg
Công ty TNHH một thành viên Vũ Công đang phát triển sản phẩm hành lá sấy khô sau khi được công nhận OCOP 4 sao

Bài bản

Công ty TNHH một thành viên Vũ Công (Nam Sách) được thành lập từ năm 2012, đi lên từ hộ kinh doanh. Doanh nghiệp chuyên về chế biến nông sản của địa phương như hành, tỏi, cà rốt… Năm 2022, đơn vị đăng ký 3 sản phẩm tham gia OCOP là đậu bắp sấy, hành lá sấy và hành củ sấy. Ngay lần đầu, cả 3 sản phẩm của doanh nghiệp đều được xếp hạng 4 sao, là thứ hạng cấp tỉnh công nhận. Ông Vũ Đình Bẩy, Giám đốc công ty cho biết hồ sơ OCOP tương đối phức tạp với nhiều điều kiện, thủ tục, nhất là đối với nhóm lĩnh vực thực phẩm. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp thì việc đáp ứng, bảo đảm yêu cầu không quá khó khăn. Bởi doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng… nên khi tham gia OCOP cũng thuận lợi hơn. Thời gian tới, công ty tiếp tục rà soát, lựa chọn sản phẩm, tập trung hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận sản phẩm OCOP.

Công ty CP Hoàng Giang (TP Hải Dương) là doanh nghiệp điển hình trong xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh. Hiện công ty có 9 sản phẩm bánh đậu xanh đạt chuẩn OCOP 4 sao và 1 sản phẩm đề nghị Trung ương công nhận OCOP 5 sao. Trong đó có 4 sản phẩm xếp hạng từ năm 2020 vừa được đánh giá lại và tiếp tục bảo đảm các tiêu chí OCOP 4 sao. Theo ông Đào Quang Chuyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, lựa chọn sản phẩm đặc sản truyền thống để sản xuất, kinh doanh nên doanh nghiệp rất quan tâm, đầu tư để tham gia chương trình OCOP. Ngoài phân công 1 lãnh đạo công ty trực tiếp chỉ đạo, công ty bố trí nhân viên kiêm nhiệm phụ trách các nội dung liên quan đến OCOP. “Nhờ triển khai bài bản, đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là chú trọng tới yếu tố con người mà doanh nghiệp gặt hái được nhiều thành công khi thử sức với sân chơi OCOP. Từ đây, công ty có thêm phương án, lựa chọn để xây dựng thương hiệu sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp”, ông Chuyện khẳng định.

Theo Chi cục và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có hơn 350 sản phẩm OCOP thì quá nửa số sản phẩm có chủ thể là doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp tham gia OCOP sẽ lựa chọn đồng thời nhiều sản phẩm đăng ký xếp hạng. Nguyên nhân do doanh nghiệp có những lợi thế nhất định trong việc chứng minh sản phẩm bảo đảm các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của OCOP.

z5307253250234_824592f24fb39da12af378d4f122aceb.jpg
Công ty CP Hoàng Giang hiện có 10 sản phẩm OCOP

Lợi thế cạnh tranh

Sau hàng chục năm gìn giữ nghề giò chả gia truyền của gia đình, địa phương, năm 2020 chị Đào Thị Huyền Trang ở xã Tân Hương (Ninh Giang) đã thành lập Công ty TNHH Tổng công ty nông sản Việt với mục tiêu phát triển nghề truyền thống. Từ sản xuất nhỏ lẻ tới bài bản, quy mô, chị Trang nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các vấn đề liên quan tới kiểm định chất lượng, mẫu mã sản phẩm và phát triển thị trường. Năm 2022, ngay từ lần đầu tham gia, doanh nghiệp của chị đã có 2 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao. Năm 2023, công ty có thêm 8 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao. Từ khi phát triển thành doanh nghiệp, xây dựng sản phẩm OCOP với định hướng sản xuất, kinh doanh rõ ràng, sản phẩm giò chả, xúc xích, mọc… mang thương hiệu nông sản Việt do chị Trang làm chủ được biết tới nhiều hơn. Theo chị Trang, khi là hộ kinh doanh có nhiều hạn chế trong việc quản lý, kiểm soát các hoạt động tài chính, kế toán, tiếp cận thị trường. Còn trở thành doanh nghiệp, việc đăng ký, hoàn thiện hồ sơ và được công nhận sản phẩm OCOP cũng thuận lợi hơn. Chứng nhận OCOP giống như giấy thông hành để doanh nghiệp có thể định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh.

Sau khi được xếp hạng sao, các sản phẩm bánh đậu xanh của Công ty CP Hoàng Giang được dán tem OCOP. Doanh nghiệp đã tận dụng lợi thế cạnh tranh này để phát triển, mở rộng thị trường. Từ năm 2020 đến nay, lượng hàng sản xuất của công ty tăng đều 20% mỗi năm. Sản phẩm được phân phối vào hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị, khu vực bán quà tặng tại di tích, điểm tham quan, sân bay. Bên cạnh chú trọng tiêu thụ trong nước, doanh nghiệp cũng kết nối, xuất khẩu đặc sản Hải Dương sang thị trường Nhật Bản. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu sản phẩm mới và đăng ký tham gia OCOP.

Chủ thể tham gia OCOP là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ sản xuất, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Trong đó, doanh nghiệp có ưu thế nổi trội hơn cả khi thực hiện các tiêu chí của OCOP. Doanh nghiệp cần là điểm tựa để phong trào OCOP phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả.

PV
(0) Bình luận
Khi doanh nghiệp là chủ thể OCOP